Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các cơ sở lưu trú tại Hà Nội: Linh hoạt, liên kết để vượt khó

Hoàng Lân| 27/05/2020 06:25

(HNM) - Ngành Du lịch Thủ đô đang từng bước khôi phục hoạt động, song với lĩnh vực lưu trú, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn rất nặng nề. Trong lúc này, các cơ sở lưu trú cần linh hoạt, sáng tạo, liên kết chặt chẽ với các đơn vị trong ngành để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Lối vào khách sạn Daewoo (Hà Nội) không còn cảnh tấp nập như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Ảnh: Trung Hiếu

Nhiều khách sạn vẫn "cửa đóng then cài"

Đầu tháng 5-2020, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thành phố Hà Nội đã cho phép nhiều đơn vị kinh doanh hoạt động trở lại. Thế nhưng, trong lĩnh vực du lịch, nhiều khách sạn 5 sao cho đến cơ sở lưu trú vừa và nhỏ vẫn “cửa đóng then cài”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, Hà Nội có 15 khách sạn 5 sao, nhưng đến nay chỉ có một số khách sạn thật sự hoạt động, như: JW Marriott, Sheraton, Lotte, InterContinental Hanoi Landmark72... Số còn lại mở cửa chủ yếu để duy trì, thậm chí có những khách sạn danh tiếng phải tạm dừng hoạt động đến hết tháng 5 và tháng 6, như: Hilton Hanoi Opera, Meliá…

Giám đốc Kinh doanh khách sạn Sheraton Bùi Xuân Đăng cho biết, thời điểm này, công suất sử dụng buồng, phòng của khách sạn đạt 23% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Lượng khách hiện tại chủ yếu liên quan tới hợp đồng từ trước với Công ty TNHH Samsung Everland INC Việt Nam, còn gần như không có khách du lịch đặt phòng. Theo Giám đốc Bán hàng khách sạn Crowne Plaza West Hanoi Nguyễn Việt Thu, hiện khách sạn đã giảm 70% lượng nhân viên; công suất buồng, phòng chỉ đạt 2%.

Hoạt động của các khách sạn 4-5 sao phụ thuộc vào lượng khách quốc tế. Khi khách quốc tế chưa thể đến Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì dù các khách sạn tại Việt Nam có giảm giá tới 40%-50% cũng vẫn không nâng được công suất buồng, phòng.

Tại khu vực phố cổ Hà Nội, các khách sạn vừa và nhỏ, homestay trên phố Mã Mây, Tạ Hiện, Hàng Bạc, Hàng Bè… hầu như không có khách. Nhiều tháng nay, dịch vụ lưu trú ở đây “đóng băng”.

Chủ khách sạn Sunlight (18 Báo Khánh, quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Tất Thành cho hay, thời điểm này cả ba khách sạn của anh phải dừng hoạt động.

Còn theo chị Hoàng Thị Hiền, quản lý khách sạn Trang Trang (104 Mã Mây), đơn vị có ba cơ sở trong khu phố cổ, nhưng hiện giờ phải gom khách về một cơ sở. Do phải cắt giảm nhân sự, chị Hiền kiêm luôn phần việc của lễ tân. “Khách sạn của tôi đã giảm giá khá sâu, song lượng khách đặt phòng trực tiếp hoặc đặt trực tuyến qua trang booking.com vẫn rất ít”, chị Hiền chia sẻ.

Linh hoạt và đồng bộ giải pháp

Công suất sử dụng buồng, phòng thấp nên nhiều khách sạn trên địa bàn Hà Nội phải tạm dừng hoạt động. Trong ảnh: Khách sạn Meliá Hà Nội đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Ảnh: Hoàng Lân

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố có gần 3.500 cơ sở lưu trú, với gần 61.000 buồng, phòng. Trong 4 tháng đầu năm 2020, công suất bình quân khối khách sạn chỉ đạt 35,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện tại, Việt Nam chưa đón khách du lịch quốc tế, do đó phát triển du lịch nội địa là mục tiêu trước mắt của ngành Du lịch. Nhiều khách sạn đã thực hiện giảm giá chưa từng có để kích cầu, với mức giảm từ 50% đến 70%. Tuy nhiên, để thu hút khách, việc giảm giá phòng chỉ là giải pháp tình thế. Các cơ sở cần phải tổ chức hoạt động kinh doanh một cách linh hoạt khi chưa có nhiều khách.

Theo Giám đốc Kinh doanh khách sạn Sheraton Bùi Xuân Đăng, những tháng hè không phải mùa cao điểm của du lịch Hà Nội, nên các khách sạn cần liên kết chặt chẽ với các đơn vị lữ hành để thực hiện những sản phẩm du lịch trọn gói, với mức chi phí hấp dẫn. Giám đốc khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng, các đơn vị cần nâng cao tính chuyên nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quảng bá hình ảnh để phát triển du lịch hội thảo (MICE), tổ chức sự kiện. Còn theo bà Bích Vân, đại diện khách sạn Movenpick Hà Nội, ngoài việc liên kết chung, các đơn vị cần phát huy thế mạnh riêng. Hiện tại, khách sạn Movenpick Hà Nội đang đẩy mạnh kinh doanh ẩm thực, thu hút du khách nhờ vào hệ thống nhà hàng với thực đơn hấp dẫn, mức giá hợp lý.

Đưa ra giải pháp "hút" khách trong thời gian tới, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, Hà Nội sẽ thực hiện kích cầu du lịch bằng việc kêu gọi các điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành cùng cam kết giảm giá, dành ưu đãi cho du khách; ra mắt những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn và rõ tính đặc trưng của Hà Nội. Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức những sự kiện như lễ hội văn hóa, ẩm thực để thu hút khách tham quan.

“Sở Du lịch Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, trong đó có các cơ sở lưu trú trên địa bàn bị thiệt hại do dịch Covid-19. Ngoài ra, để thu hút khách và giữ chân khách du lịch ở Hà Nội lâu hơn, lưu trú dài hơn, sử dụng nhiều dịch vụ hơn, cần có giải pháp đồng bộ, trong đó cần sự đoàn kết, kiên trì, sáng tạo của tất cả các đơn vị trong ngành”, ông Trần Đức Hải nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các cơ sở lưu trú tại Hà Nội: Linh hoạt, liên kết để vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.