Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lý Sơn: Những thay đổi lớn ở đảo Bé

Linh Tâm| 12/07/2020 06:07

(HNMCT) - Từ lâu đã ấp ủ dự định khám phá đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), thật may khi trong chuyến đi thăm hòn đảo có vị trí rất quan trọng trên bản đồ đất nước này, chúng tôi được trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn) vốn được những người làm du lịch nhắc tới như một điển hình thú vị.

Hành trình khám phá 

Chúng tôi khởi hành từ đảo Lớn (huyện Lý Sơn) sang đảo Bé trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Chiếc cano nhỏ chồm lên những con sóng ngang, nước lớn khiến những người khỏe nhất cũng cảm thấy nôn nao. Sau 20 phút, cano cập bờ. Bùi Minh - một thanh niên 34 tuổi, mang dáng vẻ rắn rỏi của người vùng biển đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ và hỏi thăm như người thân lâu ngày gặp lại. Chúng tôi cùng về Alabin homestay. Đoạn đường chưa đầy 1km, nối tiếp nhau bởi những ngôi nhà “khoác” trên mình những bức bích họa 3D đầy màu sắc và những tấm biển kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường.

Du khách tận hưởng những giây phút thanh bình bên bờ biển đảo Bé

Alabin homestay có vị trí khá đẹp, phía trước là ruộng tỏi và hàng dừa thẳng tắp vươn mình ra biển. Từ đây, có thể nhìn thấy đảo Lớn phía xa rực rỡ trong ráng chiều. Chúng tôi nhanh chóng cất đồ để đi dạo. Con đường bê tông bao quanh đảo dài hơn chục ki lô mét, đi qua bãi Hang, bãi Trứng, qua cây phong ba “cô đơn” - điểm check-in nổi tiếng của giới trẻ, hay Hòn Đụn - dấu tích của ngọn núi lửa nhỏ từng phun trào cách đây 3.000 - 4.000 năm. Hoàng hôn dần buông trên “cánh đồng dung nham”, nơi được cho là hình thành từ khoảng 10.000 năm trước, với những tảng đá bazan màu xám đen, có dạng dòng chảy “quấn thừng” - đặc trưng của quá trình hoạt động núi lửa trên đảo Lý Sơn.

Trở về homestay, bữa tối đã chờ chúng tôi với những đặc sản của đảo Bé: Rong nho, gỏi tỏi, hàu điếu, tôm, mực nướng... Cả gia đình Minh mỗi người một việc, tất bật lo bữa ăn cho các đoàn khách khoảng 30 người. Minh chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ có nghề đi biển, nhưng nghề này rất vất vả. Ba năm trở lại đây, tôi chuyển sang làm du lịch. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên người dân đảo Bé chỉ có thể làm du lịch 5 tháng mỗi năm, nhưng công việc này mang lại nguồn thu nhập ổn định. Năm 2019, gia đình tôi đón 1.300 lượt khách. Năm nay, do dịch Covid-19 nên tới dịp nghỉ lễ 30-4 mới đón khách trở lại. Đến nay, chúng tôi đã đón hơn 600 lượt khách. Du lịch cộng đồng đã thay đổi cuộc sống của không chỉ gia đình tôi mà của cả đảo Bé này”.  

Đi đúng hướng để phát triển bền vững

Trước đây, nhiều du khách chỉ sang đảo Bé tham quan rồi lại về đảo Lớn để nghỉ vì không có cơ sở lưu trú. Điện và nước ngọt cũng thiếu. Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Từ năm 2016, xã An Bình (đảo Bé) được cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm vượt biển song song với hệ thống pin năng lượng mặt trời gồm 100 tấm được lắp đặt trong giai đoạn 1 nên sản lượng điện tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và phát triển du lịch của gần 120 hộ dân trên đảo Bé. Bên cạnh đó, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt của nhà máy Doosan (Hàn Quốc) cũng góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Nhờ vậy, mô hình du lịch cộng đồng ở xã An Bình ngày càng phát triển. Hiện có khoảng 10 hộ dân trên đảo đang kinh doanh dịch vụ homestay. Đi kèm với đó, nhiều người dân sinh sống trên đảo cũng có thêm nguồn thu nhập từ các dịch vụ như chở khách bằng xe máy, xe điện; cung cấp thủy hải sản, thực phẩm...

Nhìn cơ ngơi 10 căn bungalow được dựng hoàn toàn bằng tre nứa, lợp lá bên cạnh bờ biển của gia đình chị Phạm Thị Thâu, chủ nhân homestay Be Ecolodge, ít ai biết rằng đây từng là bãi tập kết rác của người dân đảo Bé.

“Khi bắt tay vào làm homestay, gia đình tôi đã tốn khá nhiều công sức để dọn dẹp sạch sẽ nơi này. Chúng tôi cũng thiết kế hệ thống hầm phân loại rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa để nhân viên môi trường thu gom, mang về đảo Lớn xử lý theo quy trình. Hệ thống nước thải được tái sử dụng để tưới cây. Chúng tôi luôn khuyến khích du khách tiết kiệm nước, không xả rác bừa bãi. Nhờ vậy, cảnh quan trên đảo Bé giờ luôn sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được cải thiện đáng kể”, chị Phạm Thị Thâu chia sẻ.

Dễ nhận thấy, những thay đổi lớn trên đảo Bé có sự đóng góp đáng kể của những người trẻ như Bùi Minh, Phạm Thị Thâu hay nhiều bạn trẻ khác, chủ yếu là những người sinh ra, lớn lên trên chính hòn đảo này. Họ là những người đưa hoạt động du lịch homestay đi đúng hướng để phát triển bền vững, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa bản địa ở đảo Bé. Những đóng góp của họ trong hoạt động du lịch cộng đồng đã góp phần định danh tên tuổi của đảo Bé trên bản đồ du lịch Việt Nam, đưa Lý Sơn ngày càng trở thành một điểm đến được ưa chuộng của du khách trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lý Sơn: Những thay đổi lớn ở đảo Bé

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.