Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một cách đưa cải lương đến giới trẻ

Thụy Du| 26/08/2018 08:02

(HNM) - “Song lang” - bộ phim vừa ra mắt công chúng, đã tạo “cú lột xác” ngoạn mục cho điện ảnh về đề tài nghệ thuật truyền thống. Với những cảnh diễn ngọt ngào, đầy hoài cổ, phô diễn vẻ đẹp của sân khấu cải lương, bộ phim không chỉ dừng lại ở dấu mốc kỷ niệm một thế kỷ hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương mà đã thật sự chinh phục công chúng trẻ, dẫn dắt họ đến với môn nghệ thuật này.

Hai nhân vật chính trong phim.


“Song lang” là phim điện ảnh dài đầu tay của đạo diễn Leon Quang Lê, một nhà làm phim tay ngang xuất thân từ diễn viên broadway (Mỹ). Trước khi đến với khán giả đúng dịp Kỷ niệm 100 năm Sân khấu cải lương hình thành, đạo diễn đã vất vả “gõ cửa” nhiều nhà sản xuất. Là người hoài niệm, có định hướng làm nghề rành mạch, với các bộ phim đậm chất truyền thống mà vẫn có chỗ đứng trong làng giải trí như “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”, “Cô Ba Sài Gòn”, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã quyết định đầu tư cho bộ phim này.

Nếu yêu thích cải lương hẳn nhiều người đều biết, song loan là nhạc cụ gõ, có vai trò quan trọng giữ tiết tấu, nhịp điệu cho dàn nhạc. Nhạc cụ này được gọi chệch là song lan hoặc song lang. Và đó là lý do dẫn đến tựa đề bộ phim này.

“Song lang” mở ra với hình ảnh sân khấu kín khán giả của một đoàn cải lương ở TP Hồ Chí Minh những năm tám mươi của thế kỷ trước - thời kỳ vàng son của nghệ thuật cải lương. Phía sau tấm màn nhung là câu chuyện đời nghệ sĩ nhọc nhằn, thậm chí nợ nần chồng chất… Nhưng câu chuyện chính là về cuộc đời của Dũng “Thiên Lôi”, người sinh ra trong một gia đình theo đuổi nghiệp ca hát cải lương, biết chơi đàn nhưng cuối cùng trở thành kẻ đòi nợ thuê. Khi trái tim “sắt đá” dần trở nên ấm nóng từ sự đồng cảm với kép hát chính của một đoàn cải lương là Linh Phụng, Dũng “Thiên Lôi” định quay lại con đường nghệ thuật nhưng không kịp…

Đạo diễn và ê kíp làm phim đã kỳ công chọn không gian, đạo cụ, trang phục đúng bối cảnh. Những góc phố, nhà tập thể, quán ăn, biển hiệu... với màu sắc hoài cổ chắc chắn gây xúc động cho khán giả khi nhớ về ngày xưa. Âm nhạc dìu dặt, trầm buồn càng làm đậm tính nghệ thuật của bộ phim.

Nhiều người nghi ngại khi Isaac tiếp tục diễn vai chính trong phim là Linh Phụng. Isaac vốn xuất hiện trong nhiều bộ phim của đạo diễn Ngô Thanh Vân và anh cũng là ca sĩ trong ban nhạc do nhà sản xuất này thành lập. Tuy nhiên, vai hoàng tử trong phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” của Isaac trước đây khá “cứng”, chưa có chiều sâu. Nhưng ở “Song lang”, Isaac đã lột xác hoàn toàn, diễn tròn một vai khó. Đặc biệt, tất cả phần ca cải lương của nhân vật Linh Phụng đều là giọng thật của Isaac. Đó là kết quả từ hơn một tháng luyện hát với những nghệ sĩ chuyên nghiệp của anh. Tuy giọng vẫn trầm, chưa vang nhưng Isaac ca khá ngọt, nhấn nhá, luyến láy đúng điệu. Là nghệ sĩ có lượng khán giả trẻ đông đảo, Isaac đã góp phần lôi cuốn nhiều người đến rạp, để họ tiếp cận với nghệ thuật cải lương. Nhưng diễn viên quyết định chất lượng điện ảnh của vở diễn là Liên Bỉnh Phát, một gương mặt khá mới. Khuôn mặt góc cạnh, nam tính cộng với khả năng diễn có nội tâm, khi mềm mại lúc cứng cỏi, Liên Bỉnh Phát đã làm ra chất dữ dội của nhân vật Dũng “Thiên Lôi”.

Điểm đáng khen của “Song lang” là tránh được lối mòn quá nhiều lời của điện ảnh Việt. Thoại của các nhân vật chừng mực, đôi khi hơi cộc nhưng tạo “đất” diễn bằng hình thể, nét mặt nhiều hơn. Mặc dù 1/3 bộ phim là cảnh vở diễn “Mỵ Châu - Trọng Thủy” với những lát cắt đặc sắc nhất của câu chuyện bi thương nhưng người xem vẫn thấy rõ chất điện ảnh. Tuy nhiên, nội dung “Song lang” chưa thật sự thuyết phục. Những chuyển biến tâm lý của nhân vật hơi nhanh, kết phim gây hụt hẫng và vì thế, thông điệp nghệ thuật cải lương giảm phần nào.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một cách đưa cải lương đến giới trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.