Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân mãi giai điệu “Tuổi thơ và hòa bình”

Thu Minh| 04/11/2018 07:32

(HNM) - Trong 11 kỳ tổ chức chương trình ca nhạc nghệ thuật mang tên “Tình yêu Hà Nội” kể từ năm 2006 đến nay, đây là lần đầu tiên chương trình dành riêng cho các nhạc phẩm thiếu nhi.


Trước đây, “Tình yêu Hà Nội” được Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức với mục tiêu tôn vinh, giới thiệu tác phẩm của các nhạc sĩ, hội viên đã có nhiều cống hiến, được công chúng ghi nhận, được Nhà nước trao tặng các giải thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Kỳ này, theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, người viết kịch bản và tổng đạo diễn chương trình, đối tượng hàng đầu để chương trình vinh danh là các nhạc sĩ Hà Nội tiêu biểu viết cho thiếu nhi mà tác phẩm của họ đã gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ Việt Nam.

Lý giải về quyết định lần đầu tiên dàn dựng “Tình yêu Hà Nội” dành riêng cho thiếu nhi, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh bày tỏ: “Với các em nhỏ, âm nhạc góp phần nâng cao khả năng cảm thụ vẻ đẹp cuộc sống. Nhưng gần đây, ngày càng thiếu vắng những sáng tác thực sự hay. Trong các gameshows được phát sóng rầm rộ trên truyền hình như “Giọng hát Việt nhí”, “Thần tượng Bolero nhí’…, chúng ta thấy các em nhỏ biểu diễn những bài hát dành cho người lớn, không phù hợp tâm lý lứa tuổi. Vì vậy, thông qua “Tình yêu Hà Nội”, tôi muốn đan cài giai điệu hay của “Ca ngợi Tổ quốc” và “Mùa hoa phượng nở” (nhạc sĩ Hoàng Vân), “Trâu lá đa” (Huy Du), “Chú mèo con” (Nguyễn Đức Toàn), “Hát dưới trời Hà Nội” và “Cánh én tuổi thơ” (Phạm Tuyên)… như một cách “tạo dòng nhật ký” ghi lại hành trình âm nhạc thiếu nhi một thời đã góp phần xây dựng nền tảng đạo đức, tư tưởng của nhiều thế hệ”.

Chung nỗi niềm với tổng đạo diễn chương trình, nhạc sĩ Lê Xuân Thọ - tác giả bài hát “Con cò bé bé” bồi hồi kể: “Tôi là kỹ sư cầu đường, sáng tác nhạc chỉ là nghề tay trái. Tôi viết tác phẩm “Con cò bé bé” từ năm 1967, chỉ có vài câu ngắn ngủi nhưng thật may mắn đến nay vẫn được trẻ em yêu thích. Kỳ này, “Con cò bé bé” được phối khí mới để biểu diễn trong “Tình yêu Hà Nội”. Với tôi, đó thực sự là niềm hạnh phúc lớn”. Còn nhạc sĩ Hoàng Lân không giấu nổi sự xúc động: “Vài chục năm mới có một chương trình chọn lọc dành riêng cho thiếu nhi như vậy, lại diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nên tôi gọi đây là sự kiện đặc biệt. Nó nhắc nhở mỗi nhạc sĩ rằng vẫn còn đó tình trạng thiếu bài hát hay mang hơi thở cuộc sống giai đoạn này dành cho thiếu nhi”.

Nói thêm về trách nhiệm quan tâm tới thiếu nhi, nhạc sĩ Phan Trần Bảng - tác giả “Bài ca đi học” chia sẻ: “Tôi trăn trở về tình trạng “mù nhạc” vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Nhiều học sinh lớp 9 rồi mà không đọc nổi bài nhạc - hậu quả của việc coi âm nhạc là môn học phụ. Tại các khu dân cư, tôi ít thấy người lớn dạy nhạc, dạy hát cho các em nhỏ. Trong khi đó, việc tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho các em nhỏ là vô cùng quan trọng, giúp các em cảm nhận nghệ thuật, làm đẹp tâm hồn”.

Trong chương trình nghệ thuật “Tình yêu Hà Nội” năm 2018 với chủ đề “Tuổi thơ và hòa bình”, tổ chức vào 20h ngày 9-11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các em nhỏ sẽ gặp lại “Chị ong nâu và em bé” (Tân Huyền), “Em mơ gặp Bác Hồ” (Xuân Giao), “Chim chích bông” (Văn Dung). “Con chim sẻ” (Thế Song), “Ánh trăng hòa bình” (Hồ Bắc), “Chúng em cần hòa bình” (Hoàng Long - Hoàng Lân), “Em đi trong tươi xanh” (Vũ Thanh)… Ban tổ chức sẽ thu âm, phổ biến chương trình trên website của Hội Âm nhạc Hà Nội nhằm khích lệ mọi người quan tâm nhiều hơn đến âm nhạc thiếu nhi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân mãi giai điệu “Tuổi thơ và hòa bình”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.