Theo dõi Báo Hànộimới trên

NSƯT Trung Anh: "Không dám xem Về nhà đi con vì sợ lại phải khóc"

Theo Quang Đức/Zing| 23/07/2019 14:30

NSƯT Trung Anh cho biết, ông không dám xem hai tập gần đây của "Về nhà đi con" vì "sợ lại phải khóc". Nam nghệ sĩ cũng khẳng định đã diễn bằng cảm xúc thật khi vào vai ông Sơn.

"Về nhà đi con" là bộ phim hay về gia đình, nhiều lần lấy đi nước mắt của khán giả bằng những tình huống cảm động.

Nhân vật ông Sơn trong "Về nhà đi con" qua diễn xuất của NSƯT Trung Anh gây bão mạng xã hội sau khi tập 69 và 70 của phim lên sóng. Hình ảnh người cha ôm con gái khóc với câu nói: "Giờ bố già nua, lẩm cẩm, giáo điều nhưng bố có tình yêu. Tình yêu và một ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về" đã gây xúc động mạnh mẽ.

PV có cuộc trò chuyện với NSƯT Trung Anh giữa những tình cảm đang dâng trào của khán giả.

Cảnh ông Sơn ôm Thư trong "Về nhà đi con" được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội.

"Tôi không dám xem lại vì sợ lại khóc"

- Cảnh ông Sơn ôm Thư khóc trong tập 70 “Về nhà đi con” đang gây xúc động mạnh trên mạng xã hội. Ông có chia sẻ gì?

- Nói thật là hai tập gần đây tôi không dám xem. Khán giả xem ở góc độ khác chứ mình xem lại thấy nặng nề lắm. Tôi vẫn nhớ rất rõ bối cảnh hôm quay phim, diễn xong cảnh đó tôi rất mệt. Nó là cảm xúc thật chứ không phải là diễn nữa. Thế nên chỉ mới xem ảnh tôi đã khóc, xem lại mình trên màn ảnh sợ lại phải khóc tiếp.

- Ông Sơn có nhiều cảnh đau đớn về tâm lý, "nuốt nước mắt vào trong". Ông thể hiện những tâm lý đó bằng cách nào?

- Tôi chọn cách xử lý diễn xuất khác nhau để tránh lặp lại. Cảnh ông Sơn tát Thư vì ném bó hoa của cô Hạnh hay cảnh ông Sơn chứng kiến sự quá đáng của Khải và bây giờ là đến cảnh ôm Thư khóc là những biểu cảm hoàn toàn khác.

Dù lần nào cũng đau đớn, nặng nề nhưng cách thể hiện sự đau đớn phải khác. Tôi luôn cố gắng đưa nhân vật vào trạng thái mà khán giả không nghĩ đến, có như vậy khán giả mới bất ngờ.

Nhưng cảnh đau đớn nhất đúng là cảnh ôm Thư khóc. Thực sự đau đớn. Phải đặt vào hoàn cảnh nhân vật mới hiểu được nó nặng nề như thế nào. Khi đóng cảnh đó, tôi luôn nghĩ nếu con gái mình như vậy thì mình sẽ ra sao.

- Đằng sau một cảnh quay gây bão màn ảnh có câu chuyện nào thú vị mà ông có thể chia sẻ?

- Những cảnh đòi hỏi diễn tâm lý như vậy, chúng tôi thường không phải quay nhiều, đôi khi một đúp ăn ngay. Bản thân tôi không gặp khó khăn ở các cảnh như vậy, vì tôi coi Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân như con đẻ của mình. Đúng như Bảo Hân nói: “Đây không phải là đóng phim về gia đình mà là một gia đình đóng phim”.

Khi đã coi là con gái thì mình diễn cũng rất thật, là cảm xúc không kìm nén được. Nuốt nước mắt vào trong là vì không muốn bộc lộ nhưng cũng có lúc nước mắt tự chạy ra, chẳng ai có thể kiểm soát được.

Trong quá trình quay, tôi nhớ cũng có nhiều cảnh là bộc phát. Như trong tập 69, hành động ôm mặt Bảo Thanh là bộc phát, kịch bản chẳng bao giờ viết chi tiết như thế. Nhưng khi quay, tôi vô tình làm điều ấy vì đã coi Bảo Thanh như con của mình.

Ông Sơn ôm mặt khóc vì thương con gái.

- Nhân việc ông nhắc đến các con của mình trên phim, cũng có người thắc mắc trong số 5 người con, bao gồm cả con gái lẫn con rể, đã có 4 người được ông viết bài trên trang cá nhân, duy chỉ có Quốc Trường là chưa. Tại sao vậy?

- Thực ra cơ hội không phải không có, chỉ là thời gian. Vấn đề là phải có cảm xúc mới viết được, không phải mình ngồi mình bịa ra. Tôi làm việc với ba cô con gái nhiều nên lúc đầu định chỉ viết về ba cô. Nhưng Trọng Hùng làm việc với tôi từ "Người phán xử", tôi rất quý và cảm xúc thật nên tôi viết. Còn với Quốc Trường, tôi không quay cùng nhiều, chưa có cảm xúc thật nên chưa viết.

"Ông Sơn đón Thư có thể là một sai lầm"

- Trên mạng, nhiều bạn trẻ gọi ông là “ông bố quốc dân”. Ông thấy sao?

- Đó là cách gọi yêu quý, tôi thấy cũng được, cũng rất trân trọng. Nhưng nói thật nó lớn quá. Hôm trước tôi đến một ngôi chùa để nói chuyện với các cháu học sinh. Mình chào là “chú chào cháu” nhưng các bạn không chịu, bảo phải xưng hô là "bố con". Sau đó, tôi phải nói: “Vừa rồi là bố đùa thôi, chứ bố chào các con”. Tất cả cùng cười.

- Theo ông, tính cách của ông Sơn có điểm gì được và chưa được?

- Điều được sửa lại cho điều chưa được, chứ ông ấy có quá nhiều sai lầm trong cuộc sống. Tất nhiên, mỗi nhân vật cũng là để hướng đến sự hoàn thiện của con người. Ai cũng có sai lầm, những điều chưa đúng và phải sửa chữa.

Nhưng đôi khi cái sau lại sai lầm hơn cái trước, đó là thực tế. Ông Sơn từng là người trọng nam khinh nữ, gián tiếp khiến người vợ qua đời. Nhưng đáng mừng ông ấy đã nhận ra điều đó là sai lầm.

- Ở góc độ khán giả, ông bình luận gì về hành động đón Thư về nhà của ông Sơn dù trước đó nhân vật này luôn cố hàn gắn cuộc hôn nhân của Huệ và Khải?

- Sự khác biệt đó bắt nguồn từ việc ông ấy muốn rút kinh nghiệm từ chuyện của Huệ. Khi ông ấy muốn hàn gắn nhưng Huệ và Khải vẫn phải bỏ nhau. Thế nên, lần này ông Sơn đã đến nhà ông Luật xin Thư về. Nhưng chính việc này có khi lại là một sai lầm, vì đó cũng là sự áp đặt và chưa chắc đã đúng.

- Theo ông, giá trị lớn nhất mà "Về nhà đi con" mang lại là gì?

- Đó là giá trị gia đình. Phim không áp đặt bạn phải ủng hộ hay trở thành ai. Quan trọng, đó là một bộ phim chân thực và mỗi người sẽ nhìn ra bóng dáng của mình trong đó. Bạn có thể nhìn thấy nhân vật nào đó giống bà hàng xóm, một ông đầu phố, một đồng nghiệp ở cơ quan. Chính điều ấy khiến phim được lan tỏa.

Nghệ sĩ Trung Anh được đánh giá cao về diễn xuất với vai ông Sơn.

"Thu nhập của tôi tăng đột biến"

- Từ Lương Bổng của “Người phán xử” đến ông Sơn trong “Về nhà đi con” là một hành trình như thế nào với ông?

- Tôi căn cứ vào kịch bản để làm việc, chứ cũng không có hành trình thay đổi. Kịch bản có điểm gì chưa hợp lý thì mình góp ý. Nhưng phải nói thật, "Về nhà đi con" có một kịch bản rất tốt, là cơ sở để các diễn viên thăng hoa.

- Cuộc sống của ông có nhiều xáo trộn khi phim gây bão?

- Thực ra phim nào tôi cũng thấy như vậy, bản tính tôi vẫn thế, ít giao tiếp và không thích ồn ào.

- Ông có được săn đón quảng cáo và có thu nhập “khủng” sau vai diễn?

- Tôi cũng được mời và làm cũng tương đối. Thu nhập do vậy tăng đột biến nhưng tôi vẫn cố gắng tránh, chọn quảng cáo phù hợp và hạn chế việc đưa lên mạng xã hội. Tất nhiên cũng có nhãn hàng họ yêu cầu phải đưa lên trang cá nhân, vẫn phải làm nhưng cũng từ chối nhiều.

Thêm nữa, tôi quan niệm đừng bao giờ khoe hợp đồng và việc mình kiếm được bao tiền. Đó là điều không nên.

- Nhiều diễn viên mắc bệnh “sao” chỉ sau một vai được chú ý. Ông đã có nhiều vai gây bão nhưng vẫn rất dung dị, bằng cách nào ông giữ được điều đó?

- Vì tôi luôn tránh những điều “đao to búa lớn”. Ai mà gọi tôi là ngôi sao hay showbiz là tôi sợ lắm. Từ nghệ sĩ với tôi đã là ghê gớm lắm rồi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
NSƯT Trung Anh: "Không dám xem Về nhà đi con vì sợ lại phải khóc"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.