Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hành phim trực tuyến: Xu hướng cần nắm bắt

Ngọc Lan| 27/03/2020 10:01

(HNMCT) - Đúng như dự đoán, dịch vụ giải trí trực tuyến, trong đó có các nền tảng xem phim trực tuyến, có mức tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, khi người dùng ồ ạt tìm đến ứng dụng xem phim online, họ càng cảm nhận rõ hơn về sự thiếu vắng của phim Việt. Dường như các nhà làm phim trong nước vẫn chưa mặn mà với kênh phát hành tiềm năng này.

Hai Phượng vào top những phim được xem nhiều trên Netflix.

Xem phim trực tuyến là xu thế chung

“Biết làm gì trong thời gian phải ở yên trong nhà để phòng dịch?”, là câu hỏi được đặt ra trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội. Với nhiều người, giải pháp đầu tiên thường nghĩ tới chính là các dịch vụ giải trí trực tuyến - được cho là xu hướng mang tính toàn cầu. Dựa trên phân tích về sự phát triển của các công ty game và cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến trong tháng 2 năm nay, các chuyên gia của quỹ đầu tư Columbia Threadneedle nhận định: “Những hình thức giải trí online và chơi game rõ ràng đang được hưởng lợi với lượng người dùng cũng như thời gian chơi tăng cao trong bối cảnh người dân ở nhà tránh dịch”.

Cụ thể, trong tháng 2-2020, khi hầu hết các loại cổ phiếu đều sụt giảm thì cổ phiếu của nền tảng xem phim trực tuyến Netflix lại tăng từ 345 USD lên 348 USD/cổ phiếu bởi các nhà đầu tư kỳ vọng nền tảng này sẽ sống tốt bất chấp dịch bệnh. Trên tờ New York Times, nhà phân tích của Moody Investors Services cũng nhất trí rằng: “Nếu dịch bệnh lây lan ở mức vừa phải, sẽ có nhiều người tìm kiếm những lựa chọn giải trí tại nhà như Netflix, HBO, Disney...”. Về mặt kỹ thuật, Roger Entner, nhà phân tích của Công ty Nghiên cứu viễn thông Recon Analytics cho rằng: Hiện có tới 70% lưu lượng truy cập internet mỗi ngày chỉ để xem video. Nhu cầu sử dụng các ứng dụng giải trí như Netflix, YouTube... đang chiếm phần lớn lưu lượng truy cập internet trong các hộ gia đình.

Tuy nhiên, không phải chỉ do dịch bệnh mà người ta tìm đến các dịch vụ giải trí trực tuyến mà sự tăng trưởng của lĩnh vực này mang tính xu thế. Nền tảng xem phim trực tuyến ghi nhận rõ ràng những thay đổi này. Năm 2019, nền tảng chiếu phim trực tuyến bùng nổ và lần đầu tiên đạt doanh thu lớn hơn doanh thu phòng chiếu; “phía trực tuyến” thu về khoảng 58,8 tỷ USD trong khi doanh thu phòng chiếu là 42,2 tỷ USD. Theo ông Phan Đỗ Trí Dũng, Giám đốc điều hành Fim+, vào quý I năm nay, nền tảng này có sự tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, thời gian xem phim tăng hơn 30%. Số người xem phim trên nền tảng Netflix tại nhiều quốc gia được dự đoán tăng 30,9% so với năm 2019.

Phim Việt: Vẫn còn quá ít

Cùng với xu thế giải trí của thế giới, khán giả Việt Nam cũng tìm đến các nền tảng giải trí trực tuyến; số người xem phim trực tuyến ngày càng nhiều, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh kéo dài. Theo khảo sát về truyền hình trực tuyến trong tháng 2-2020 của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me (Việt Nam), tần suất sử dụng truyền hình trực tuyến tăng do có đến 78% số người được khảo sát nói rằng họ giảm việc ra ngoài vui chơi. Ngoài YouTube, các nền tảng xem phim trực tuyến có bản quyền như FPT Play, MyTV, NetTV, Netflix, Fim+... ngày càng trở nên quen thuộc với người xem ở Việt Nam, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...

Tuy nhiên, nếu quan sát danh sách phim được phía cung cấp đề xuất với người xem hoặc qua số phim được xem nhiều nhất trên các nền tảng này, sẽ thấy có rất ít phim Việt Nam; trong danh sách chủ yếu là phim bộ Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc những bộ phim “bom tấn”. Mặc dù trong thời gian gần đây Netflix đã bổ sung một số phim Việt như Em chưa 18, Hạnh phúc của mẹ, Lửa Phật, Hậu duệ mặt trời, Ngôi nhà bươm bướm, Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi, Siêu sao siêu ngố, Mẹ chồng, Về quê ăn tết, Hương Ga, Âm mưu giày gót nhọn, Cô dâu đại chiến, Taxi em tên gì?, Thưa mẹ con đi... song vẫn còn quá ít so với nhu cầu thưởng thức phim Việt của khán giả.

Một điều đáng nói nữa, theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh thì đại đa số phim Việt Nam mới chỉ lên Netflix Việt Nam chứ chưa phải là Netflix International. Nghĩa là các nghệ sĩ Việt Nam hầu như vẫn chưa tiếp cận được nền tảng chiếu phim trực tuyến đang giữ vị trí quan trọng này. Việc đưa phim lên Netflix Việt Nam cũng rất lẻ tẻ. Nhiều đạo diễn cho rằng, việc đưa phim lên các nền tảng chiếu phim trực tuyến đem lại nhiều lợi ích như tạo thêm một khoản thu cho phim, giúp phim đến được với khán giả một lần nữa..., tuy nhiên, việc đó được rất ít đơn vị trong nước quan tâm.

Chỉ có một số ít phim được chào bán cho các nền tảng này trước khi phát hành ngoài rạp, như trường hợp của Hai Phượng, đa số còn lại đều là phim đã phát hành ngoài rạp hoặc chiếu trên truyền hình từ lâu. Trong khi đó, trước lợi nhuận khổng lồ từ lĩnh vực này, nhiều nền tảng đã chuyển hướng từ việc mua phim sang sản xuất phim để phát độc quyền. Chẳng hạn, Netflix cho biết sẽ chi từ 17 đến 18 tỷ USD cho việc sản xuất nội dung vào năm 2020, Fim+ cũng đang lên kế hoạch sản xuất các bộ phim độc quyền để công chiếu trên nền tảng trực tuyến...

Không nghi ngờ gì nữa, giải trí trực tuyến đã trở thành một xu hướng có tính toàn cầu, thậm chí là xu hướng nổi trội trong lĩnh vực phát hành phim. Các nhà làm phim Việt Nam cần nắm bắt xu hướng này để mang phim đến với khán giả nhiều hơn, nhất là khi việc đưa phim “ra rạp” đang gặp nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hành phim trực tuyến: Xu hướng cần nắm bắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.