Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chú trọng tuyển sinh, đào tạo nghề chương trình 9+

Phú Cường| 27/03/2022 18:48

(HNMO) - Tháng 3 và 4 hằng năm là thời điểm những học sinh chuẩn bị tốt nghiệp trung học cơ sở lại trăn trở chọn trường, chọn nghề để có hướng đi phù hợp cho tương lai. Hà Nội là nơi tập trung đông dân cư, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập có hạn. Tuy nhiên, giới trẻ đã có lối mở cho hành trình lập thân, lập nghiệp khi nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng tuyển sinh, đào tạo nghề chương trình 9+.

Một lớp đào tạo nghề theo chương trình 9+ tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. 

Nhiều lợi ích

Chương trình học nghề 9+ (học văn hóa bậc trung học phổ thông song song với học nghề) dành cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở phổ biến tại nhiều nước tiên tiến, như: Nhật Bản, Đức, Singapore... Mô hình này có thời gian đào tạo 3 năm với trình độ trung cấp, 4-5 năm với trình độ cao đẳng, hiện được quan tâm phát triển tại Việt Nam, trong đó có thành phố Hà Nội. 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, toàn thành phố hiện có 370 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 200.000 lượt người/năm. Đối tượng tuyển sinh đa dạng, từ lao động nông thôn, lao động phổ thông, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông cho đến học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề chương trình 9+. Sau vài năm triển khai, chương trình 9+ đã chứng minh tính hiệu quả, mang lại lợi ích cho nhiều phía.

“Chương trình đào tạo nghề hệ 9+ góp phần giúp xã hội hạn chế tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, tạo điều kiện cho các trường nghề có nguồn đầu vào ổn định, chất lượng. Về phía người học, họ rút ngắn được thời gian học tập, sớm tham gia thị trường lao động, nên tiết kiệm được thời gian, chi phí học tập”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh. 

Trên thực tế, nhiều lao động trẻ lựa chọn học nghề 9+ đã gặt hái được thành công. Có thể kể đến trường hợp Nguyễn Đắc Huynh, trú tại xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ). Chia sẻ về con đường học nghề, Nguyễn Đắc Huynh cho biết, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở vào năm 2019, Huynh nộp hồ sơ ứng tuyển học nghề chương trình 9+ với nghề sửa chữa máy tính, Khoa Điện - Điện tử (Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội). Nỗ lực học tập, thực hành nghề, Nguyễn Đắc Huynh thu về những “trái ngọt”. Đó là giải Nhất kỳ thi kỹ năng nghề thành phố Hà Nội, giải Ba kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 với nghề lắp cáp mạng thông tin; đồng thời, được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2021. Nhờ vững tay nghề, Nguyễn Đắc Huynh có nguồn thu nhập bằng công việc đi làm thêm từ khi còn trên ghế nhà trường.

Tương tự, việc học nghề chương trình 9+ tại Trường Trung cấp nghề cơ khí I Hà Nội với nghề công nghệ hàn, Trần Hải Dương (trú tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn) rộng mở cơ hội lập thân lập nghiệp khi bản thân được nhiều doanh nghiệp mời về làm việc. 

Quan tâm nâng cao chất lượng

Dự kiến, năm 2022, Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở, trong đó gần 25.000 học sinh được phân luồng vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề, tăng hơn 10.000 người so với năm 2021. Đây là nguồn đầu vào chất lượng, ổn định, nên các trường nghề tập trung tuyển sinh, đào tạo nghề chương trình hệ 9+. 

Về công tác tuyển sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường cho biết, năm 2022, nhà trường dự kiến tuyển sinh 300 chỉ tiêu chương trình 9+, cho nhiều nghề thị trường lao động đang cần như công nghệ thông tin, chăm sóc sắc đẹp, cơ khí, kinh tế, điện tử - điện lạnh, tăng hơn 10% so với năm trước.

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đặt mục tiêu tuyển 500 học sinh cho chương trình 9+, bằng gần 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường trong năm nay.  Các trường trung cấp, như: Trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội, Trường Trung cấp nghề cơ khí I Hà Nội, Trường Trung cấp nghề Bắc Thăng Long... cũng xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm 2022 với số lượng chỉ tiêu chương trình 9+ bằng hoặc cao hơn những năm trước...

Nhằm đạt mục tiêu đề ra, từ đầu năm 2022, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với các trường trung học cơ sở, chính quyền các địa phương tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp đến nhóm học sinh chuẩn bị tốt nghiệp trung học cơ sở bằng nhiều hình thức. Nắm bắt thông tin, nhiều phụ huynh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn cho con, cháu của họ. Anh Trần Hải Khang (trú tại xã Phú Châu, huyện Ba Vì) cho hay: “Con trai tôi đang học lớp 9, cháu thích nghề sửa chữa ô tô, muốn đi làm sớm. Sau khi tìm hiểu, tôi biết nhiều trường đào tạo nghề này, lại được cam kết chắc chắn có việc làm, nên tôi đồng ý cho con theo học nghề sửa chữa ô tô ngay sau khi cháu tốt nghiệp trung học cơ sở”.  

Cùng với công tác tuyển sinh, các nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề chương trình 9+. Hiện tại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội chủ động phối hợp với hàng trăm doanh nghiệp từ khâu tuyển sinh tới khâu đào tạo, thực hành nghề, bảo đảm cho người học rộng mở cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Do đó, học sinh có thể yên tâm học nghề chương trình 9+. Vấn đề cần quan tâm là, ở độ tuổi còn trẻ (phổ biến là 15 tuổi), nhiều học sinh chưa biết rõ bản thân cần gì, yêu thích nghề nào để có sự chọn lựa chính xác.

Để tránh chọn nhầm nghề, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng, giai đoạn này, phụ huynh nên đồng hành với con, cùng con tìm hiểu kỹ về khả năng, nguyện vọng của con cũng như chất lượng đào tạo của các nhà trường, bảo đảm thí sinh chọn đúng ngành, nghề, đúng địa chỉ đào tạo. Điều đó giúp thế hệ trẻ vững vàng, tự tin học nghề để lập nghiệp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng tuyển sinh, đào tạo nghề chương trình 9+

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.