Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập: Không thể cào bằng

Quỳnh Phạm| 04/06/2013 06:06

(HNM) - Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập thời gian qua đã đóng vai trò phản biện tích cực về những chính sách liên quan tới các trường ngoài công lập.


Phản hồi tích cực


Nói về vai trò phản biện của Hiệp hội, Phó Chủ tịch Trần Xuân Nhĩ cho biết, một vài nội dung đóng góp quan trọng của Hiệp hội đã được Ban soạn thảo Luật Giáo dục ĐH tiếp thu, thể hiện trong văn bản luật đã được Quốc hội thông qua. Trước tình trạng hầu hết trường phải nộp thuế doanh nghiệp ở mức 25% do tiêu chí 55m2/sinh viên, Hiệp hội đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết, để chính sách ưu đãi thuế đến được với các trường. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định điều chỉnh tiêu chí quy mô các trường, trong đó tiêu chí về số mét vuông/sinh viên được thay thế bằng mét sàn xây dựng/sinh viên, cụ thể chỉ còn 2m2/sinh viên.

Mục đích chính của các trường ngoài công lập là tìm phương án tuyển sinh khoa học, linh hoạt trên cơ sở đa tiêu chí. Ảnh: Bảo Lâm


Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh, vài năm gần đây, Hiệp hội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT làm việc trực tiếp với Hiệp hội và có công văn đề nghị các trường hội viên chủ động xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh riêng để trình Bộ trưởng xem xét, phê duyệt. 10 trường đã có đề án, trong đó có 5 trường đã trình Bộ. Những đề án này được Bộ đưa ra trước dư luận và nhận được cả sự đồng tình, ủng hộ, góp ý lẫn sự chê bai, chưa tin tưởng, hoặc bác bỏ.

Mặc dù đã nhận được một số phản hồi tích cực, đại diện Hiệp hội cho rằng, giữa lời nói và việc làm của cơ quan quản lý cũng như đề xuất của Hiệp hội đang còn có những khoảng cách, khiến cho các trường gặp phải trở ngại không đáng có. Hiện 5 trường ĐH ngoài công lập có đề án tuyển sinh riêng vẫn đang chờ câu trả lời của Bộ. Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Trần Hồng Quân, mặc dù có quyết định ưu đãi thuế nhưng kèm theo đó, còn có một số ràng buộc chưa hợp lý như quy định diện tích sàn phải là sở hữu của trường. Ngoài ra, với tiêu chí tỷ lệ giảng viên/sinh viên yêu cầu phải là giảng viên cơ hữu đã dẫn đến tình trạng một số trường buộc phải vội vàng tuyển giảng viên mới ra trường thay vì thuê các GS, TS về giảng dạy. "Điều quan trọng ở đây là chất lượng đội ngũ giảng viên chứ không phải là giảng viên đó là thỉnh giảng hay cơ hữu" - ông Quân nhấn mạnh.

Khoảng cách giữa nhà quản lý và hiệp hội

"Khoảng cách" khá xa giữa các nhà quản lý và Hiệp hội thể hiện rõ nhất trong quan điểm xung quanh vấn đề tuyển sinh. Ông Trần Hồng Quân cho rằng, quy định trường phải tuyển được mỗi năm 200 sinh viên trở lên, ổn định trong 3 năm, mới cho phép tiếp tục đào tạo cũng là một điều vô lý. Ví dụ, Trường ĐH Tân Tạo có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên diện tích hơn 100ha nhưng hiện mới tuyển được vài chục sinh viên/năm vì nằm ở vị trí không thuận lợi, chưa thu hút sinh viên chứ không phải do chất lượng đội ngũ và cơ sở vật chất. Nếu đặt tiêu chí trường nào cũng phải tuyển 200 sinh viên trở lên như quy định, chắc chắn trường này sẽ bị xóa sổ. Quy định hiện nay vẫn là cào bằng, phi thực tế, không đa dạng.

Theo ông Quân, hiện mọi người vẫn nghĩ rằng các trường ngoài công lập chỉ lo sao tuyển sinh cho được. Ít người hiểu mục đích chính của các trường là tìm được phương án tuyển sinh thực sự khoa học, hợp lý, linh hoạt, trên cơ sở đa tiêu chí. Do có rất nhiều loại trường, mỗi trường có sứ mạng xã hội, mục tiêu, nhiệm vụ riêng nên không thể cào bằng bằng cách tuyển sinh "3 chung". Vì vậy, cần xây dựng giải pháp tuyển sinh đa tiêu chí, phù hợp với từng môn học, từng ngành trường, chứ không phải là tiêu chí giống hệt nhau. Sự đa dạng đó chỉ có từng trường mới làm được chứ Bộ GD-ĐT không thể bao quát hết.

Quan điểm xuyên suốt của Hiệp hội là đề nghị Bộ GD-ĐT cho thực hiện điều 34, Luật Giáo dục ĐH về vấn đề tự chủ tuyển sinh. Bộ GD-ĐT chưa hướng dẫn thì Luật Giáo dục ĐH chưa phát huy hiệu quả dù chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2013. Ngoài ra, Nhà nước nên tập trung đầu tư vào một số trường công lập đặc thù, còn lại cần tạo cơ chế công bằng giữa trường công lập và ngoài công lập. Những kiến nghị này, theo lãnh đạo Hiệp hội, không chỉ dành riêng cho các trường ngoài công lập mà cho nền giáo dục ĐH nói chung. Bởi sự phát triển của trường ngoài công lập phù hợp với mục tiêu phát triển mạnh mẽ nền giáo dục ĐH, trong đó con đường tất yếu là phát triển giáo dục ngoài công lập.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập: Không thể cào bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.