Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm

Thu Trang| 13/05/2015 07:04

(HNM) - Việc quản lý chất lượng bếp ăn tại các trường học hiện nay không đơn giản. Nếu không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, chế độ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thì không những không chặn được nguy cơ gây ra ngộ độc tập thể, mà còn ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe,

Chia khẩu phần ăn cho các cháu về từng lớp tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy). Ảnh: Thái Hiền



Quy định "trên giấy" nhiều vẫn chưa đủ

Theo quy định của ngành y tế, các bếp ăn tập thể, căng tin nhà trường phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện về ATVSTP. Nơi chế biến thực phẩm phải đáp ứng quy định về trang thiết bị dụng cụ; khu chế biến bảo đảm điều kiện về ATVSTP, quy chế bếp ăn một chiều, tức là từ khâu sơ chế đến khâu chế biến thực phẩm, chuyển sang chia suất ăn và chuyển về cho các lớp theo quy trình của bếp một chiều. Mặt khác, việc sử dụng nguồn nguyên liệu phải có nguồn gốc rõ ràng và phải được ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm đủ điều kiện. Ngoài ra, người chế biến thực phẩm phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ, thường xuyên được tập huấn công tác bảo đảm ATVSTP, lưu mẫu thức ăn hằng ngày…

Cũng theo quy định, nếu nhà trường tổ chức bếp ăn thì phải mua suất ăn ở những nơi được cấp giấy phép đủ tiêu chuẩn vệ sinh. Khi tiến hành thanh kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ trên thực tế các điều kiện về bếp ăn như: Vệ sinh môi trường cảnh quan, vệ sinh đồ dùng dụng cụ nhà bếp, kiểm tra hợp đồng mua bán thực phẩm, công tác lưu mẫu thức ăn, kiểm tra hồ sơ sổ sách của nhà bếp... Tuy nhiên, bài học về công ty rau an toàn nhưng cung cấp rau không rõ nguồn gốc cho các siêu thị diễn ra cách đây không lâu là minh chứng rõ nét. Dù về mặt pháp lý, trên giấy tờ, công ty này cam kết chuyên cung cấp rau sạch, song thực tế lại không đúng như vậy.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Hoàng Thu, hiện việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn giữa ca tại các cơ quan, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục rất phổ biến và đa dạng với nhiều hình thức khác nhau. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát ATVSTP, tuyên truyền phổ biến kiến thức về ATVSTP, xây dựng mô hình điểm về ATVSTP bếp ăn tập thể trường học. Cùng với việc kiểm tra, Chi cục ATVSTP còn phối hợp với Sở GD - ĐT tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các trường về kỹ năng phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo đảm chất lượng bữa ăn của HS bán trú để thật sự an toàn, hợp vệ sinh. Tuy nhiên, nguy cơ sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các quy định ATVSTP trong chế biến, bảo quản, vận chuyển và kinh doanh thức ăn vẫn còn tồn tại.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, ATVSTP nói chung và việc bảo đảm an toàn cho mỗi bếp ăn bán trú nói riêng là mối quan tâm của toàn xã hội, bởi thực phẩm liên quan tới sự phát triển thể chất, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, giống nòi. Tại Việt Nam, rau và thịt là thực phẩm chủ yếu, phổ biến trong bữa ăn hằng ngày. Song, trong quá trình đánh bắt, nuôi, trồng, lưu thông và chế biến rau, thịt luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm thực phẩm như: Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau; tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt; nhiễm vi sinh trên rau, thịt… Sản phẩm rau, thịt không bảo đảm an toàn có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm cấp tính hoặc mạn tính, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó khả năng tự cung ứng rau và thịt của thành phố chỉ đáp ứng 60-70% nhu cầu. Số còn lại chủ yếu nhập từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc quản lý chất lượng rau, thịt của các địa phương khác đưa vào tiêu thụ tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định nguồn gốc, xuất xứ và kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Không thể lơ là kiểm tra, giám sát

Ngay từ đầu năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội thành lập 5 đoàn thanh, kiểm tra đột xuất các đơn vị cung cấp nguồn thực phẩm tại tất cả các quận, huyện. Ngoài ra, Ban chỉ đạo y tế học đường cũng đã tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố, kiểm tra công tác bảo đảm ATVSTP của 30 quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2015 (diễn ra từ 15-4 đến 15-5), ngành y tế Thủ đô đã tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối rau, thịt; bảo đảm nguồn gốc rau, thịt và ATVSTP trong bảo quản, chế biến tại các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, trường học. Đến nay, thông tin từ các đoàn kiểm tra, thanh tra của thành phố, các quận, huyện, thị xã và các phòng GD-ĐT chưa phát hiện việc cung ứng thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm vào các bếp ăn trường học.

Dù Hà Nội chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt nào từ bếp ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục nhưng vấn đề cốt lõi là chất lượng thực phẩm đầu vào. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, giải quyết tận "gốc" vấn đề thì nguy cơ thực phẩm như: Cá, thịt, rau củ có tồn dư hóa chất, chưa nói đến thực phẩm ôi thiu đưa vào trường học gây ra ngộ độc âm thầm, kéo dài, hủy hoại sức khỏe cho trẻ là rất lớn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.