Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ phong trào Bình dân học vụ đến xây dựng xã hội học tập

Hồng Hạnh| 03/09/2015 07:09

(HNM) - Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề


Chiến dịch chống nạn mù chữ chính thức được phát động từ ngày 8-9-1945 với các sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, quy định mở lớp học bình dân, yêu cầu bắt buộc về việc học chữ quốc ngữ… Từ một đất nước có hơn 95% số dân mù chữ, đến nay, phong trào học tập thường xuyên, suốt đời đã lan tỏa, góp phần xây dựng xã hội học tập.


Vai trò, ý nghĩa của việc chống nạn mù chữ và trách nhiệm của mỗi người dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong lời kêu gọi "Chống nạn thất học" gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào: "… Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà…". Cách thức học tập của mỗi người khi ấy cũng được Người chỉ ra rất đơn giản, ai ai cũng có thể làm theo, đó là "Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học".

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, phong trào Bình dân học vụ nhanh chóng được triển khai, lan tỏa vào từng thôn xóm, bản làng, trở thành một phong trào nhân dân với những hình thức, thời gian tổ chức linh hoạt, thích nghi với điều kiện của mọi tầng lớp người lao động. Lớp học được đặt tại bất cứ nơi nào thuận lợi cho nhân dân, có thể là ở trường học, cơ quan chính quyền, doanh trại quân đội hoặc tại nhà dân, đình, chùa, lán trại… Chỉ sau một năm phát động, đã có hơn 2,5 triệu người biết đọc, biết viết trong tổng số 22 triệu dân.

Theo nhà giáo Nguyễn Trà, một trong những người tham gia dạy bình dân học vụ một thời, phong trào này đã thực sự khai mở ánh sáng cuộc đời cho rất nhiều người. Giọng người giáo già trầm lại: Cứ xâm xẩm tối, khi vừa kết thúc một ngày lao động, dù mệt mỏi, bà con lại tất bật mang vở, bút, xách đèn dầu đi tìm con chữ trong những căn nhà lá đơn sơ. Người đến lớp đủ các thành phần: người già, trẻ con, thanh niên bất kể là nam hay nữ. Trong ánh đèn dầu lập lòe, những mái đầu cặm cụi, ê a đánh vần. Nhà giáo Nguyễn Trà bảo, thời ấy cần nhất là xóa mù chữ, nên thầy chỉ dạy hai môn là toán và học vần, mục đích giúp người dân biết đọc, biết viết, biết tính cộng, trừ, nhân, chia. Ròng rã nhiều năm liền, niềm vui lớn nhất của thầy là chứng kiến những người chưa biết mặt chữ, sau một thời gian đã háo hức đọc cho nhau nghe tin thời sự đăng trên Báo Cứu quốc. Đến nay, người giáo già đã có trên 70 năm đứng lớp, vẫn miệt mài mở lớp học miễn phí tại nhà ở phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.

Kinh nghiệm từ phong trào Bình dân học vụ đến nay vẫn có nhiều ý nghĩa và được vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong công cuộc đổi mới giáo dục của Việt Nam, trong đó, việc xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX). Hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện với hơn 43 nghìn cơ sở giáo dục từ các cấp học, bậc học được phân bố trên cả nước, phục vụ việc học tập của 22 triệu học sinh, sinh viên. Việc đáp ứng nhu cầu học của những đối tượng ngoài nhà trường được coi trọng thông qua việc phát triển mạng lưới hơn 700 trung tâm giáo dục thường xuyên, gần 11 nghìn trung tâm học tập cộng đồng (98% số xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng). Đây là địa chỉ học tập gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, nội dung học tập được chia thành các chuyên đề, vừa đáp ứng nhu cầu trang bị kiến thức văn hóa, vừa bồi dưỡng cho người dân về kỹ năng nâng cao năng suất lao động theo hướng "cần gì học nấy". Tại Hà Nội, số học viên theo học các loại hình tại trung tâm giáo dục thường xuyên hằng năm là trên 100 nghìn người, ngoài ra còn có 2 triệu lượt người tham gia học tập các chuyên đề.

Chương trình xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ vẫn được chú trọng, tỷ lệ người biết chữ ở độ tuổi từ 15 trở lên hiện đạt khoảng 96% dân số. Tỷ lệ này của Hà Nội đạt trên 99%, tất cả quận, huyện, thị xã đều đạt chuẩn về xóa mù chữ. Tuy vậy, ở những địa bàn khó khăn thì việc xóa mù chữ vẫn là một thử thách không nhỏ khi tỷ lệ người biết chữ mới chỉ đạt khoảng 90%. Mới đây, Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020" đã được Chính phủ phê duyệt, quy định rõ lộ trình, trách nhiệm và kinh phí triển khai, nhằm mục tiêu đến năm 2020 xóa mù chữ cho 1,2 triệu người ở độ tuổi 15-60, nâng tỷ lệ người biết chữ đạt mức 98%.

Cùng với các phong trào truyền thống nhằm khích lệ việc thi đua học tập thường xuyên, học tập suốt đời như gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, mô hình "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập", "Thành phố học tập" mới được thí điểm một năm qua đã thu hút hơn 200 nghìn gia đình, hàng nghìn dòng họ, xã, phường… đăng ký. Sự lan tỏa của những mô hình này đã góp phần khơi dậy truyền thống hiếu học, làm nền tảng cho việc xây dựng xã hội học tập, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ phong trào Bình dân học vụ đến xây dựng xã hội học tập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.