Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp: Nỗ lực tháo gỡ để đáp ứng nhu cầu

Thống Nhất| 25/07/2018 06:41

LTS: Những năm gần đây, tình trạng thiếu trường, lớp mầm non trên địa bàn TP Hà Nội, nhất là ở những địa bàn có khu công nghiệp đã trở thành vấn đề

Bài 1: Gian nan tìm chỗ học

(HNM) - Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, số lượng trẻ mầm non đến trường tăng trung bình mỗi năm từ 25.000 đến 30.000 trẻ, chủ yếu là ở địa bàn có khu công nghiệp. Sự biến động không ngừng về số lượng công nhân, khiến cho việc dự báo số lượng trẻ mầm non đến trường thêm khó khăn, dẫn đến tình trạng ngày càng thiếu chỗ học ở khu vực này. Đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ mầm non.

Thiếu trường mầm non, nhiều công nhân trông chờ vào các nhóm lớp tư thục để gửi con. Trong ảnh: Một lớp tư thục tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.



Thiếu trầm trọng chỗ học

12h trưa 20-7, Làng công nhân thuộc Khu công nghiệp Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) tấp nập hẳn, dù trời mưa nặng hạt. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, các nữ công nhân ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa về khu nhà trọ chăm sóc con nhỏ và nghỉ ngơi. Trong căn phòng nhỏ ở tầng 3, chị Lê Thị Duyên (quê Bắc Giang), làm việc tại Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam vừa cho con bú, vừa tranh thủ ăn cơm. Chị Lê Thị Duyên cho biết, do công việc bận rộn nên chị phải nhờ bà nội lên trông đứa bé chưa tròn một tuổi, còn đứa lớn được gửi ở Trường Mầm non Ngọc Hòa (xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ). Chị Duyên bộc bạch: So với nhiều gia đình, việc tìm được chỗ học cho con ở trường công lập là một may mắn. Bởi vậy, dù chặng đường đưa con sang trường mầm non của xã bên cạnh khá xa, nhưng cả nhà đều cố gắng.

Không may mắn như gia đình chị Lê Thị Duyên, hầu hết các cháu trong số gần 40 trẻ trong độ tuổi mầm non đang sống cùng bố mẹ tại tòa nhà 6 tầng của Làng công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa đang được gửi tại các nhóm lớp tư thục. Bà Nguyễn Thị Hiền (quê ở tỉnh Thái Bình) chia sẻ: Bà được "triệu tập" lên Hà Nội từ khi cháu nội thứ hai 6 tháng tuổi, bây giờ đã hơn 1 tuổi, nhưng vẫn chưa tìm được chỗ gửi.

Được biết, xã Phú Nghĩa hiện chỉ có 1 trường mầm non công lập với quy mô nhỏ, lại đang bị xuống cấp và từ lâu đã ở trong tình trạng quá tải.

Việc con công nhân khó tìm được chỗ học ở trường mầm non công lập không chỉ có ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), mà còn xảy ra tại khá nhiều địa bàn khác. Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) là nơi thu hút đông công nhân nhất trong các khu công nghiệp tại Hà Nội, với khoảng 63.000 công nhân, nhưng cũng mới chỉ có 2 trường mầm non công lập.

Do trường công lập thiếu, lại không thể đáp ứng nhu cầu gửi trẻ theo ca, nên hầu hết các gia đình là công nhân phải gửi con tại các nhóm lớp tư thục. Thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh cho thấy, năm học 2017-2018, toàn huyện có 16,5% số trẻ học tại cơ sở mầm non tư thục, thì riêng xã Kim Chung, tỷ lệ trẻ mầm non theo học tại cơ sở tư thục chiếm tới 91%.

Nguy cơ cao khi gửi trẻ ở lớp tư thục

Hà Nội hiện có khá nhiều khu công nghiệp, chủ yếu tập trung tại các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Thường Tín... Ở hầu hết các doanh nghiệp, tỷ lệ lao động nữ đều chiếm từ 70% trở lên và phần lớn ở trong độ tuổi từ 18 đến 25... Vì vậy, áp lực đang dồn vào hệ thống trường, lớp mầm non. Thế nhưng, mỗi xã thường chỉ có từ 1 đến 2 trường mầm non công lập, không thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Trường Mầm non Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) luôn quá tải vì nhu cầu gửi con của người lao động cao.


Trước tình trạng thiếu trầm trọng hệ thống trường, lớp mầm non công lập như vậy, các nhóm lớp mầm non tư thục mọc lên ngày càng nhiều, nhất là tại các địa bàn có khu công nghiệp. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, vì vậy, đây chính là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ. Theo bà Đặng Thị Yến, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ, tính đến tháng 7-2018, toàn huyện có 87 nhóm lớp mầm non độc lập tư thục, trong đó có 74 nhóm lớp đã được cấp phép. Huyện Đông Anh có 81 nhóm lớp tư thục đang hoạt động, thì có tới 35 nhóm lớp bị quá tải, quy mô trẻ/lớp vượt quá quy định của Điều lệ trường mầm non. Hầu hết các nhóm lớp đều ở trong tình trạng xuống cấp, phòng học được cải tạo từ nhà ở, diện tích hẹp, thiếu ánh sáng và các trang thiết bị cơ bản. Điển hình là các nhóm lớp: Hoa Hướng Dương, Họa Mi, Chuông Vàng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh); nhóm Sơn Ca (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ)...

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn thành phố có 70 nhóm lớp mầm non tư thục chưa được cấp phép, chiếm 3% số nhóm lớp đang hoạt động. Tuy nhiên, qua ghi nhận từ thực tế, số lượng nhóm lớp mầm non độc lập tư thục chưa đủ điều kiện cấp phép tại một số địa bàn có sự khác biệt so với con số thống kê. Lý do của hiện tượng này, các nhóm, lớp mầm non tư thục có thể nay đóng, mai mở, hoặc đóng nơi này, mở cửa nơi kia. Ngoài ra, mạng lưới nhóm lớp mầm non tư thục phát triển khá nhanh, len lỏi trong các khu dân cư, thôn, xóm, cơ quan quản lý không kiểm soát hết. Thực tế giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố hồi tháng 4-2018 cho thấy, trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn tồn tại khá nhiều nhóm lớp tư thục chưa được cấp phép, nhưng vẫn hoạt động. Chẳng hạn như nhóm lớp Hoàng Thị Hường (xã Ngọc Hòa) dù chưa được cấp phép, song đã hoạt động từ nhiều tháng trước thời điểm kiểm tra. Nhóm này có quy mô hơn 10 cháu ở độ tuổi từ 12 đến dưới 36 tháng, song chỉ có một phòng học, nhà vệ sinh và bếp dùng chung với gia đình.

Theo lý giải của chính quyền địa phương về việc để tồn tại các nhóm lớp hoạt động sai quy định là do, chủ nhóm lớp đều là người cùng thôn, cùng xã, lại thêm áp lực về nhu cầu gửi con của chính người dân cùng địa bàn. Trong trường hợp "mạnh tay" nhất, mức độ xử phạt đối với cơ sở cũng chỉ là yêu cầu đóng cửa. Và các cơ sở thường chỉ chấp hành đối phó, đoàn kiểm tra đi khỏi là lại mở cửa đón trẻ. Khó xoay xở, nhiều phụ huynh, nhất là người lao động ở các khu công nghiệp vẫn nhắm mắt gửi con, bỏ qua những vá víu, thiếu thốn về cơ sở vật chất và cũng chẳng bận tâm nhiều đến trình độ giáo viên.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp: Nỗ lực tháo gỡ để đáp ứng nhu cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.