Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thước đo để người học lựa chọn

Thống Nhất| 26/09/2018 06:33

(HNM) - Kể từ ngày 10-10-2018, các trung tâm  ngoại ngữ, tin học phải công khai về chất lượng giáo dục thực tế, các điều kiện bảo đảm chất lượng và công tác thu, chi. Mục đích của việc này là để người học có thể căn cứ vào đây để lựa chọn nơi học, tránh tình trạng quảng cáo một đằng, thực thi một nẻo, ảnh hưởng đến quyền lợi của học viên.

Lựa chọn các trung tâm ngoại ngữ uy tín sẽ giúp học sinh đạt được kết quả học tập tốt hơn. Ảnh: Viết Thành


Phát triển nhanh, sai phạm nhiều


Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước (1,9 triệu học sinh) và là nơi thu hút nhiều thanh niên, người lao động ở các địa phương khác về sinh sống, làm việc, học tập nên nhu cầu học ngoại ngữ, tin học là rất lớn, đa dạng. Để đáp ứng nhu cầu đó, trên địa bàn Hà Nội đã có khoảng 500 trung tâm ngoại ngữ, tin học và một nửa trong số này là các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đánh giá sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, những năm gần đây, số lượng các trung tâm ngoại ngữ, tin học phát triển rất nhanh, quy mô ngày càng lớn, hoạt động ở hầu khắp các quận, huyện, thị xã.

Sau hàng loạt những sai phạm tại các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn Hà Nội như: Giảng viên có lời lẽ thô tục, phản cảm với học viên tại một cơ sở đào tạo của Công ty MST; một số chuyên gia tiếng Anh bị mạo danh, trung tâm ngoại ngữ quảng cáo không đúng sự thật... được phát hiện vào tháng 5-2018, vấn đề quản lý các trung tâm ngoại ngữ nói riêng và các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường nói chung lại được xới xáo. Điều đáng nói, khi trực tiếp xác minh, kiểm tra tại các trung tâm này, cơ quan chức năng mới phát hiện nhiều chi nhánh trực thuộc trung tâm không có tên trong danh sách cấp phép. Thậm chí, cơ quan chức năng còn phát hiện tình trạng một trung tâm có nhiều cơ sở ở nhiều địa bàn khác nhau, đều chưa đăng ký hoạt động, nhưng vẫn tổ chức tuyển sinh, dạy học...

Chị Lê Mai Anh, phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Sau những sai phạm của nhiều trung tâm ngoại ngữ được phát hiện, gia đình tôi khá hoang mang trong việc tìm chỗ học ngoại ngữ cho con. Các thông tin về trung tâm ngoại ngữ tràn lan trên mạng internet, nhưng thông tin bảo đảm độ chính xác về điều kiện, chất lượng giảng dạy của các trung tâm là rất ít. Và việc quyết định lựa chọn trung tâm nào để học phần lớn do cảm tính, nếu có gì xảy ra thì thiệt thòi nhất vẫn là người học...".

Siết chặt quản lý

Thông tin của các trung tâm ngoại ngữ, tin học cần được công khai để người dân nắm rõ và cùng giám sát.


Quy chế thực hiện công khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng với tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ tháng 2-2018, còn đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, từ ngày 10-10 tới đây mới bắt đầu thực hiện quy chế này.

Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học ra đời nhằm chấn chỉnh tình hình hoạt động của loại hình đào tạo này; đồng thời, ngăn chặn các hành vi gian lận như đã từng xảy ra, tránh gây bức xúc trong dư luận và thiệt thòi cho học viên. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Ngoài việc tuân thủ “3 công khai” như với các cơ sở giáo dục và đào tạo, từ ngày 10-10-2018 trở đi, các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên cả nước còn phải có trách nhiệm giải trình 3 nội dung: Cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và công tác thu, chi tài chính.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, hầu hết ý kiến của đại diện các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn TP Hà Nội đồng thuận với chủ trương mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có những quy định “cởi trói”, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trung tâm như: Điều kiện bổ nhiệm giám đốc trung tâm không bắt buộc phải có thời gian hoạt động trong ngành Giáo dục và Đào tạo ít nhất 3 năm; không giới hạn độ tuổi của giám đốc, phó giám đốc trung tâm (quy định hiện hành giới hạn độ tuổi bổ nhiệm lần đầu là không quá 65 tuổi); điều kiện dạy ngoại ngữ đối với giáo viên được xác định cụ thể là trình độ cao đẳng... Theo bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế đối ngoại (Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Apollo Việt Nam), quy định mới là động lực để các đơn vị thi đua, cạnh tranh lành mạnh, khẳng định chất lượng và uy tín của mình, từ đó tạo niềm tin cho người học.

Ở góc độ quản lý, bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm cho rằng, việc buộc các trung tâm phải công khai về chất lượng giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng và công tác thu, chi không chỉ là thông tin, là thước đo để người học quyết định lựa chọn nơi học phù hợp, mà còn là căn cứ để cơ quan quản lý đánh giá, kiểm tra, giám sát hoạt động của trung tâm. Nếu các trung tâm không tuân thủ điều này, thì không chỉ thiệt hại cho chính trung tâm (vì thiếu thông tin để người học tin tưởng, lựa chọn học), mà còn bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Đây cũng là giải pháp để giải quyết tình trạng các trung tâm hoạt động “chui” đang khá phổ biến hiện nay tại nhiều địa bàn.

Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, nhằm siết chặt quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, Sở đang khẩn trương hoàn thiện phần mềm quản lý dùng chung toàn thành phố.

Toàn bộ thông tin của các trung tâm như tên, địa chỉ, số điện thoại, thời gian cấp phép, chương trình giảng dạy, chất lượng giáo dục... sẽ được công khai, minh bạch để người dân nắm rõ và cùng tham gia giám sát. Hằng năm, Hà Nội tăng cường kiểm tra đột xuất đối với ít nhất 30% số trung tâm, nhằm kịp thời chấn chỉnh những sai phạm (nếu có).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thước đo để người học lựa chọn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.