Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập

Bảo Vy| 09/10/2018 07:18

(HNM) - Mỗi năm Hà Nội có thêm 25.000 đến 30.000 trẻ mầm non đến trường, nhưng toàn thành phố mới có 1.084 trường mầm non...

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ sáu HĐND thành phố, các đại biểu HĐND thành phố nêu thực trạng, do “cầu” lớn hơn “cung”, nên trong số 2.467 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có 70 cơ sở chưa được cấp phép vẫn đưa vào hoạt động. Đáng lưu ý, một số chủ nhóm lớp chưa thực hiện đúng quy định về báo cáo nhân sự khi có thay đổi với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương; tình trạng chuyển nhượng lại nhóm lớp tư thục, nhưng không điều chỉnh lại hồ sơ, không báo cáo cấp quản lý, có nơi cấp quản lý không biết hoặc biết nhưng làm ngơ.

Trả lời bằng văn bản vấn đề đại biểu HĐND thành phố nêu, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thừa nhận có hiện tượng trên, do ý thức chấp hành quy định của một số chủ nhóm lớp chưa tốt; các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa hướng dẫn cụ thể về việc chuyển đổi, nhượng lại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.

Thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý toàn diện đối với các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn. Vì thế, ngay sau kỳ họp của HĐND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động đề xuất UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo và kiểm tra, giám sát chấn chỉnh kịp thời các hiện tượng vi phạm trên.

Để tăng cường quản lý nhà nước các cơ sở giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu ban hành mới thủ tục “Chuyển đổi chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập”, làm cơ sở pháp lý giúp các cơ sở giáo dục mầm non thuận lợi chuyển đổi. Cùng với đó, Sở cũng có văn bản hướng dẫn bổ sung “Yêu cầu chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phải có văn bản, hồ sơ báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn và UBND phường, xã khi có sự thay đổi về nhân sự”. Trường hợp, chủ cơ sở giáo dục mầm non không thực hiện theo đúng yêu cầu, sẽ không cấp phép hoặc đình chỉ hoạt động.

Những giải pháp trên vẫn là chưa đủ nếu không có sự kiểm tra, rà soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Vì vậy, phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã cần tăng cường trách nhiệm, tham mưu cho UBND cùng cấp thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất, công khai kết quả kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.