Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý trung tâm tin học, ngoại ngữ: Sẽ có "thước đo" cho người học

Thống Nhất| 18/10/2018 06:16

(HNM) - Từ ngày 10-10, các trung tâm tin học, ngoại ngữ trên cả nước chính thức áp dụng quy chế mới về tổ chức và hoạt động theo quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hà Nội sẽ kiểm tra các điều kiện về chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất của trung tâm ngoại ngữ, tin học. Ảnh: Mạnh Hà


Tạo thuận lợi

Điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành là việc điều chỉnh những yêu cầu vốn trước đây bị coi là quá khắt khe với các trung tâm. Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Pháp chế đối ngoại (Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Apollo Việt Nam), thông tư mới có nhiều quy định “cởi trói” cho trung tâm ngoại ngữ. Đây cũng là động lực để các đơn vị cạnh tranh lành mạnh, tạo niềm tin cho người học bằng chất lượng giáo dục thực chất.

Nếu trước đây giáo viên giảng dạy tại các trung tâm phải có bằng đại học phù hợp với chương trình giảng dạy kèm theo chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm thì nay, các trung tâm có thể tuyển giáo viên có bằng cao đẳng sư phạm trở lên. Trong bối cảnh tuyển dụng giáo viên ngày càng khó khăn, việc nới rộng điều kiện này tạo thuận lợi cho các trung tâm ngoại ngữ, tránh hiện tượng không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động “chui”. Điều kiện bổ nhiệm giám đốc trung tâm ngoại ngữ, tin học cũng không bắt buộc phải có thời gian hoạt động trong ngành Giáo dục ít nhất 3 năm như trước, cũng không giới hạn độ tuổi. Điểm mới trong quy định với đội ngũ giáo viên là yêu cầu tuân thủ quy định về đạo đức nhà giáo, hạn chế tình trạng giáo viên có hành vi không tôn trọng người học.

Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết: Trước đây, khi không xin được giấy phép cho giáo viên người nước ngoài vào giảng dạy, nhiều trung tâm đã cố tình bỏ qua quy định về điều kiện giáo viên, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị và gây khó khăn cho công tác quản lý, có nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi của người học. Quy định mới về bằng cấp giáo viên giúp tháo gỡ khó khăn chung kéo dài nhiều năm nay, tạo điều kiện để các đơn vị phát triển ổn định.

Thay vì phải tuân thủ điều kiện mỗi ca học không quá 25 học viên/giáo viên, theo Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT, từ nay, các trung tâm ngoại ngữ, tin học không còn bị khống chế về quy mô tổ chức lớp học nữa; các trung tâm ngoại ngữ, tin học được quyền bố trí biên chế lớp phù hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho giám đốc trung tâm về nội dung chương trình, tài liệu dạy học sử dụng tại trung tâm.

Tăng hậu kiểm

Cả nước hiện có khoảng 4.000 trung tâm ngoại ngữ, tin học, trong đó Hà Nội có gần 400 trung tâm. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng trung tâm ngoại ngữ, tin học phát triển nhanh, quy mô ngày càng lớn và tập trung ở các thành phố lớn, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng song cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Điển hình là những sai phạm khiến dư luận bức xúc thời gian qua như tình trạng hoạt động khi chưa có giấy phép, việc giảng viên ngoại ngữ của Công ty MST (Hà Nội) có lời lẽ thô tục với học viên, một số trung tâm ngoại ngữ quảng cáo không đúng sự thật...

Sẽ áp dụng quy chế mới về tổ chức và hoạt động tại các trung tâm tin học, ngoại ngữ.


Trước nỗi băn khoăn của người học về việc liệu có xảy ra tình trạng lộn xộn khi các trung tâm được trao quyền tự chủ và được "cởi trói" nhiều như vậy hay không, bà Vũ Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: Việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu trung tâm không đồng nghĩa với việc muốn làm gì thì làm.

Điều 13 của Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT quy định: Các trung tâm có thể tự biên soạn hoặc lựa chọn chương trình, tài liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc của các tổ chức khác phù hợp với nhu cầu người học song phải báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngoài ra, các trung tâm còn có trách nhiệm công khai điều kiện bảo đảm chất lượng và công khai về thu - chi. Như vậy, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học không chỉ chịu sự quản lý của cơ quan chức năng mà còn có thêm sự giám sát của cộng đồng.

Ông Vũ Tuấn Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục Language Link Việt Nam cho biết, đơn vị hoàn toàn ủng hộ và rất mong chờ những chuyển động mới về chất lượng của hệ thống trung tâm ngoại ngữ. Tuy nhiên, để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, ngoài việc buộc các trung tâm công khai về chất lượng, tài chính, cơ quan quản lý cần công khai kết quả thanh tra, kiểm tra và danh sách trung tâm không thực hiện đúng quy định của pháp luật để người học biết.

Theo ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2018-2019, Hà Nội tăng cường hậu kiểm đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học; chú trọng kiểm tra điều kiện về chất lượng (giáo viên, cơ sở vật chất) và các điều kiện bảo đảm an toàn, phòng, chống cháy nổ, địa điểm tổ chức lớp học của các trung tâm.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý trung tâm tin học, ngoại ngữ: Sẽ có "thước đo" cho người học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.