Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Những điểm mới cần lưu ý

Thống Nhất| 25/10/2018 06:47

(HNM) - Năm học 2019-2020, Hà Nội sẽ chính thức áp dụng phương thức thi tuyển gồm 4 môn để tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, thay vì phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển như gần 10 năm qua.

Trước những băn khoăn của phụ huynh, học sinh về kỳ thi, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã nêu rõ những điểm mới cần lưu ý như về cấu trúc đề thi, chứng chỉ nghề, phương thức tuyển sinh...

Ôn tập bài kỹ sẽ giúp các thí sinh giành kết quả tốt khi thi vào lớp 10. Ảnh: Viết Thành


Thấp thỏm chờ đề tham khảo

Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập với 4 bài thi độc lập, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi thứ tư. Bài thi thứ tư sẽ được công bố vào tháng 3-2019 và chọn ngẫu nhiên trong các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, giáo dục công dân, địa lý.

Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, trong số 4 bài thi trên, có hai bài thi là toán và ngữ văn vẫn thi theo hình thức tự luận như các năm trước; môn ngoại ngữ thi theo hình thức kết hợp trắc nghiệm và tự luận; môn thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm. Để bảo đảm công bằng, khách quan cho thí sinh dự thi, đề thi môn thứ tư sẽ có nhiều mã đề trong một phòng thi, bảo đảm nguyên tắc 2 thí sinh liền kề không có cùng mã đề.

Như vậy, năm học 2019-2020, học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội sẽ phải thi số môn gấp đôi so với học sinh các năm trước; hình thức bài thi cũng phong phú hơn, bao gồm cả tự luận và trắc nghiệm.

Chị Hoàng Thị Kim (phụ huynh học sinh Trường THCS Yên Thường, huyện Gia Lâm) bày tỏ: "Mặc dù ở lớp các con đang được ôn luyện với việc làm bài trắc nghiệm, song gia đình vẫn không khỏi lo lắng bởi không biết các đề kiểm tra này có bám sát cấu trúc đề thi mà Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành hay không".

Trong khi chờ cấu trúc đề tham khảo, các đơn vị đã chủ động triển khai kế hoạch để học sinh có thêm nhiều cơ hội làm quen với hình thức thi trắc nghiệm. Tại quận Hoàn Kiếm, ông Lê Đức Thuận, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận cho biết, Phòng đã tổ chức tập huấn, hỗ trợ các trường THCS xây dựng bộ đề kiểm tra các môn để giúp học sinh làm quen với hình thức và kỹ năng làm bài trắc nghiệm.

Giáo dục nghề: Học bắt buộc, thi tự nguyện

Trước sự thấp thỏm của học sinh, phụ huynh và các nhà trường về cấu trúc đề thi, ông Phạm Quốc Toản cho biết: “Với môn toán và ngữ văn, giáo viên và học sinh có thể tham khảo đề thi chính thức các năm trước. Sở Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương hoàn thành công đoạn cuối của việc xây dựng đề thi tham khảo các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và sẽ công bố vào cuối tháng 10 này”.

Cũng theo ông Phạm Quốc Toản, việc thi 4 môn chỉ áp dụng với những học sinh có nguyện vọng xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập. Trong trường hợp học sinh chỉ có nguyện vọng học lớp 10 tại các trường THPT ngoài công lập hoặc trường THPT công lập tự chủ tài chính, các em không nên quá lo lắng bởi năm học 2019-2020, các trường này được lựa chọn một trong hai phương thức tuyển sinh: Hoặc dùng kết quả trong kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập; hoặc xét học bạ của học sinh ở cấp THCS. Năm học trước, toàn thành phố có hơn 80% số trường THPT ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính đã tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức xét tuyển học bạ...

Một trong những điểm mới quan trọng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 tại Hà Nội là không áp dụng chế độ cộng điểm khuyến khích cho học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông như những năm trước. Trước chủ trương này, nhiều học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố dự định không tham gia kỳ thi nghề để lấy chứng chỉ, tuy nhiên lại băn khoăn nếu không có chứng chỉ thì sẽ không được xét tuyển vào lớp 10.

Giải đáp mối lo này, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) thông tin: Chương trình giáo dục nghề nghiệp là nội dung nằm trong chương trình giáo dục cấp THCS do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Việc học giáo dục nghề nghiệp là bắt buộc đối với mọi học sinh THCS.

Tuy nhiên, việc tham dự kỳ thi để lấy chứng chỉ nghề là hoàn toàn tự nguyện. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không có quy định nào về việc học sinh phải có chứng chỉ nghề phổ thông mới được xét tuyển vào lớp 10 THPT.

Năm học 2018-2019, Hà Nội dự kiến có 102.000 học sinh tham gia xét tốt nghiệp THCS, giảm gần 4.000 học sinh so với năm học trước. Năm học 2019-2020, tỷ lệ tuyển sinh vào các trường THPT chiếm 60-62% học sinh tốt nghiệp THCS, tương đương 60.900-62.900 học sinh, giảm khoảng 3.000 học sinh so với năm học trước.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Những điểm mới cần lưu ý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.