Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cô giáo Hà và sáng kiến giúp trẻ down học đọc

Thống Nhất| 19/11/2018 06:12

(HNM) - Say mê nghiên cứu khoa học, là tác giả của một số sáng kiến, dự án khoa học mang tính ứng dụng cao, cô giáo Dương Thị Thu Hà, Trường THPT Lê Lợi (quận Hà Đông) đã khá quen thuộc với đồng nghiệp, học sinh có chung niềm đam mê.


Dự án nhân văn

“Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống” của cô giáo Dương Thị Thu Hà vừa được chọn là một trong bốn dự án tiêu biểu nhất của chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Còn bản thân cô cũng vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng danh hiệu “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm 2018. Đây là năm thứ 2 liên tiếp cô Thu Hà được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng danh hiệu này.

Cô giáo Dương Thị Thu Hà và học sinh tại lớp học dành cho trẻ bị down.


Ý tưởng về việc thiết kế thiết bị PSE để giúp trẻ mắc hội chứng down học đọc ra đời khá tình cờ. “Trong một chuyến đi từ thiện tại Thái Bình, nhóm chúng tôi tận mắt chứng kiến sự cố gắng và ý chí vượt qua khó khăn, đau đớn vì những khiếm khuyết cơ thể của những người mắc hội chứng down để có cơ hội được học tập, hòa nhập cuộc sống.

Cả nhóm cũng cảm nhận sự vất vả và kiên trì của các thầy giáo, cô giáo khi chăm sóc, hỗ trợ học sinh kém may mắn học tập và rèn luyện các kỹ năng. Hình ảnh những đứa trẻ vật vã với việc đọc, viết cứ ám ảnh tôi suốt chặng đường về. Tôi tự nhủ, mình cần làm một điều gì đó hỗ trợ cho những học trò kém may mắn, tạo thuận lợi cho các em tiếp cận việc học”, cô Thu Hà nói.

Vốn đam mê nghiên cứu khoa học, cô Dương Thị Thu Hà đã cùng nhóm học sinh thiết kế một sản phẩm giúp những học sinh khuyết tật học tập bớt vất vả hơn. "Thiết kế thiết bị PSE đã ra đời như thế. Đó là chuỗi những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ biểu cảm và có tính tương tác với trẻ. Thiết kế này vừa giúp trẻ tăng khả năng vận động, tạo hưng phấn, kích thích đến não bộ để thúc đẩy việc học đọc và rèn các kỹ năng của trẻ...

Quá trình thực nghiệm thiết bị với những trẻ mắc hội chứng down tại Làng trẻ Hòa Bình (3D, đường Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã có phản hồi tích cực, được đồng nghiệp ghi nhận. Điều đó thúc đẩy nhóm cô trò chúng tôi khẩn trương hoàn thiện thiết bị để giúp cho nhiều trẻ kém may mắn có cơ hội tiếp cận với việc học” - cô Dương Thị Thu Hà chia sẻ.

Qua 3 lần cải tiến nội dung và sau 2 tháng rưỡi thực nghiệm tại Làng trẻ Hòa Bình, thiết bị PSE của cô giáo Dương Thị Thu Hà đã thu được kết quả khả quan. Từ hơn 80% số trẻ chưa biết chữ cái, sau khi trải nghiệm với thiết bị, đã có 95% số trẻ thuộc chữ cái; 80% số trẻ cải thiện về sức khỏe, biết vận dụng một số kỹ năng cơ bản và trở nên nhanh nhẹn, khéo léo hơn.

Kết nối vì cộng đồng

Tại đêm trao giải chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018 vào ngày 11-11, không ít người đã khá ngạc nhiên khi có hai cô học trò nhỏ đồng hành cùng cô giáo Dương Thị Thu Hà là Bùi Khánh Vy và Bùi Minh Ngọc. Hai học trò là đồng tác giả của “Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống” do cô Dương Thị Thu Hà chủ trì triển khai. Ngạc nhiên hơn nữa là một trong số hai em không phải là học sinh đang học tại Trường THPT Lê Lợi - nơi cô giáo Thu Hà công tác.

Em Bùi Minh Ngọc, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) - thành viên của nhóm tác giả thiết bị PSE bật mí: “Học sinh phổ thông, nhất là những bạn đam mê nghiên cứu khoa học đều biết đến cô Thu Hà. Rất nhiều bạn ở các trường khác nhau đã được cùng cô tham gia các dự án sáng tạo, có nhiều trải nghiệm thực tế hấp dẫn. Chuyên đề trải nghiệm “Học sinh Thủ đô trồng hoa tulip gắn với hoạt động từ thiện” vừa được triển khai trong năm học 2017-2018 là một trong những dự án như thế. Gần 5 triệu đồng tiền lãi của một lớp trong một tháng học chuyên đề đã được các bạn trực tiếp làm từ thiện. Cô Thu Hà luôn biết khích lệ và gắn kết những học trò có cùng đam mê và biến nhiều ý tưởng thành hiện thực”.

Còn cô giáo Dương Thị Thu Hà lại bày tỏ: “Có những ngày hai cô học trò làm việc liên tục 7 giờ đồng hồ không nghỉ. Nhiều cảnh quay, nhiều động tác, chi tiết phải làm đi làm lại tới cả trăm lần, bởi để tương tác với người bình thường đã khó, tương tác như thế nào để trẻ mắc hội chứng down hiểu và phấn khích, tạo sự hấp dẫn để kích thích trẻ học theo, làm theo càng khó hơn nhiều. Chính sự nỗ lực của các học trò đã tạo cho tôi động lực lớn trong việc mày mò, sáng tạo ra sản phẩm để hỗ trợ việc học tập cho những trẻ em thiệt thòi...”.

Được vinh danh và nhận số tiền thưởng 100 triệu đồng, cô giáo Dương Thị Thu Hà vẫn không thôi trăn trở: “Để có được một sản phẩm như thế, cô trò chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều nhà khoa học, đồng nghiệp và nhiều người khác... Tôi mong rằng đây sẽ là khởi đầu cho sự kết nối, chung tay có trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng trong việc quan tâm, chăm sóc những người khuyết tật, trong đó có trẻ mắc hội chứng down, giúp trẻ có cơ hội học tập, hoàn thiện kỹ năng để hòa nhập, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Trực tiếp nghe trình bày về quá trình hình thành và những gặt hái ban đầu của thiết bị PSE, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá: Đây không chỉ là một sản phẩm có tính khoa học mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm và nhiệt huyết của một nhà giáo đối với nghề nghiệp và cộng đồng.

Đây cũng là một biểu tượng đẹp của tình thầy trò, là kết quả của phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành Giáo dục. Việc làm của cô giáo Dương Thị Thu Hà là tấm gương sáng về tinh thần tự học, sáng tạo, cũng sẽ là động lực, là nguồn cảm hứng cho đội ngũ nhà giáo toàn ngành nỗ lực hoàn thiện mình, xứng đáng là tấm gương sáng để học trò noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô giáo Hà và sáng kiến giúp trẻ down học đọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.