Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp

Phạm Thanh| 21/01/2019 07:51

(HNM) - Giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đang là mối quan tâm hàng đầu của TP Hồ Chí Minh nhằm phát huy nguồn nhân lực có trình độ đại học.


Là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Sài Gòn, Lê Bảo Trân cho biết mới đây nhà trường đã tổ chức ngày hội việc làm. Sau khi được tư vấn, Trân đã điền đầy đủ vào mẫu đơn đăng ký... Lê Bảo Trân rất vui vì ra trường sẽ có nhiều cơ hội được đi làm ngay. Còn Nguyễn Văn Nhân, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh rất mừng khi tìm được vị trí trợ giảng. “Vì chưa tốt nghiệp nên em tìm những trường có nhu cầu tuyển trợ giảng để nộp đơn đăng ký. Em muốn đi làm để có kinh nghiệm và không sợ phải thất nghiệp sau khi ra trường”, Nguyễn Văn Nhân cho hay.


Thực tế, số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh hiện nay đạt 72,3%. Phần lớn sinh viên ra trường còn gặp nhiều khó khăn trong tìm việc làm ổn định do chưa định hướng đúng về nghề nghiệp - việc làm. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện có không ít sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp với năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Còn các doanh nghiệp lại rất quan tâm tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp có kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, giao tiếp, những hiểu biết về văn hóa doanh nghiệp và tác phong công nghiệp.

Theo ông Trần Anh Tuấn, các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh hằng năm cung cấp hơn 70.000 lao động có trình độ đại học, trong khi nhu cầu nhân lực ở trình độ này chỉ khoảng 40.000 chỗ làm việc/năm. Thị trường lao động đang thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng thực hành, nhân lực chất lượng cao.

Nhằm phát huy nguồn lực giáo dục đại học, Tiến sĩ Đinh Công Khải, Trưởng khoa Quản lý nhà nước, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, các trường cần chủ động trong công tác đào tạo và liên kết với các doanh nghiệp. Chính quyền thành phố nên tạo cơ chế động viên khuyến khích và đóng vai trò chủ chốt trong việc kết nối các cơ quan hữu quan để dự báo nhu cầu nhân lực, tránh tình trạng lãng phí trong đào tạo.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Hào Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cho hay: “Thành phố có rất nhiều doanh nhân đang làm quản lý ở các doanh nghiệp, họ không chỉ có kinh nghiệm thực tiễn mà còn có trình độ chuyên môn... Họ có nguyện vọng tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, báo cáo chuyên đề hoặc hướng dẫn luận văn cho sinh viên. Đây có thể xem là đội ngũ “giảng viên thực tiễn” rất có giá trị với nhà trường. Vì vậy, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục có chính sách công nhận đội ngũ này là giảng viên của trường đại học”.

Để giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”. Tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã trở thành một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của thành phố. Bình quân mỗi năm, thành phố giải quyết trên 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%. Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của thành phố, đồng thời cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn chỉnh hệ sinh thái thị trường lao động, cũng như hỗ trợ các điều kiện cần thiết để tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, giảm khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.