Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn trường học

Thống Nhất| 31/01/2019 06:31

(HNM) - Với ngành Giáo dục, Tết Nguyên đán luôn đi cùng với mối lo về việc bảo đảm an toàn tại trường học.

An toàn trường học là vấn đề cần được duy trì thường xuyên. Ảnh: Thái Hiền


Loại bỏ nguy cơ mất an toàn

Một trong những điều được ban giám hiệu, giáo viên và đội ngũ bảo vệ của các trường học trên địa bàn TP Hà Nội quan tâm, nhất là vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là làm thế nào để bảo đảm an toàn cho học sinh tại trường. Câu chuyện về một học sinh tiểu học ở huyện Chương Mỹ bị kẻ xấu nấp trong nhà vệ sinh của trường xâm hại tình dục xảy ra vào khoảng thời gian này của năm 2018, đến nay vẫn là bài học về việc bảo đảm an toàn cho con trẻ ở mọi nơi, mọi lúc. Mối lo tập trung ở các trường mầm non, tiểu học bởi học sinh ở lứa tuổi này còn nhỏ, ít có khả năng tự vệ, nhận thức về các hành vi xấu còn hạn chế...

Để ngăn chặn kẻ xấu xâm nhập trường học, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trong đó có hệ thống cửa, tường rào bao quanh trường học. Riêng năm học 2017-2018, kinh phí dành cho việc cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất tại các nhà trường là 19.000 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, người lạ có thể dễ dàng lọt vào trường học bằng cách trà trộn cùng phụ huynh tới trường trong giờ đón con, để thực hiện hành vi xấu đối với học sinh. Nhằm ngăn chặn thủ đoạn này, Trường Tiểu học Tô Hoàng và Trung học cơ sở Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng) - hai đơn vị nằm trên đường Đại Cồ Việt, nơi có lưu lượng xe qua lại rất lớn - đã phải tăng cường lực lượng bảo vệ và huy động sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương. Sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và lực lượng chức năng của địa phương vừa nhằm mục tiêu giảm tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực trường học, vừa kiểm soát những kẽ hở có thể gây mất an toàn cho học sinh.

Bà Nguyễn Thu Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hoàng cho biết: Với quy mô hơn 1.000 học sinh, hầu hết các con đều có cha mẹ đưa - đón, nhà trường phải dành một phần diện tích sân trường ở phía cổng vào làm nơi tập trung mỗi khi phụ huynh đưa con đến trường hoặc tới đón con. Khu vực này có ranh giới phân định với các khu khác trong trường, có bảo vệ trực và giám sát, qua đó loại bỏ nguy cơ gây mất an toàn đối với học sinh.

Ngăn chặn “giặc lửa”

Với khoảng 2.800 trường học, hơn 1,9 triệu học sinh, nguy cơ xảy ra cháy nổ tại trường học là mối lo thường trực của cơ quan quản lý ngành bởi hầu hết các nhà trường trên địa bàn TP Hà Nội đều được trang bị phương tiện dạy học hiện đại, có phòng máy tính, hệ thống điện, đèn chiếu sáng đầy đủ...

Ông Tạ Ngọc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa cho biết: Toàn quận hiện có 62 trường học công lập với 64.000 học sinh các cấp học. Nhằm bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ tại các trường học, nhất là vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 khá dài sắp tới, lãnh đạo quận vừa tổ chức đoàn liên ngành đi kiểm tra thực tế về công tác phòng chống cháy nổ tại từng trường học. Đây cũng là căn cứ để quận Đống Đa xây dựng dự án đầu tư về phòng chống cháy nổ cho tất cả các trường học với mục tiêu tuyệt đối không để “bà hỏa” gây hại cho nhà trường.

Đối với một số trường học được xây dựng từ lâu, hạ tầng cũ kỹ thì sự lo lắng không chỉ là về công tác phòng chống cháy nổ, mà còn liên quan tới nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích. Để đánh giá vấn đề này, có thể xem Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) như một ví dụ điển hình. Với tuổi đời 46 năm, hệ thống thoát nước đã cũ, sân trường và một số phòng ở tầng 1 thường xuyên bị ngập, bị ẩm mốc trong mùa mưa. Hệ thống đường điện của trường đã được điều chỉnh nhiều lần song vẫn thể hiện sự chắp vá, dễ xảy ra chập cháy. Ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định chia sẻ, để bảo đảm an toàn cho học sinh, nhà trường thường xuyên phải kiểm tra chất lượng trần, tường trong các lớp học, gia cố lại những chỗ có nguy cơ bong tróc; kiểm tra hệ thống điện, đèn chiếu sáng, quạt và trang thiết bị phòng chống cháy... Cả trước và trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường sẽ duy trì lịch trực 24/24 giờ, sẵn sàng phương tiện cần thiết để bảo đảm an toàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tuyệt đối không để xảy ra sự cố hoặc tai nạn thương tích trong dịp nghỉ Tết.

Nhằm nhắc nhở các địa phương chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn về người và cơ sở vật chất trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An vừa có văn bản gửi các địa phương, nhà trường, trong đó lưu ý các đơn vị duy trì lịch trực Tết và tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ. Các nhà trường cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra điều kiện phòng chống cháy nổ; trang bị đủ phương tiện, thiết bị theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; tuyệt đối không để xảy ra cháy nổ tại trụ sở các cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.