Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy sáng tạo khoa học trong nhà trường

Thanh Tàu| 18/02/2019 08:04

(HNM) - Hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học tại khu vực phía Nam không chỉ là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo mà còn là hoạt động tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới, cải tiến quy trình công nghệ...


Nhận thức rõ tầm quan trọng

của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong nghiên cứu khoa học, các trường đại học tại khu vực phía Nam đã có nhiều đề tài phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện các đề tài khoa học như: Dự án hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về công nghệ thu hoạch và bảo quản trái cây, xử lý nước thải, bảo tồn sinh thái; dự án xử lý chất thải và chưng cất nước ngọt từ nước biển cho đảo Trường Sa...

Nhiều đề tài được đánh giá cao về tính thực tiễn và hiệu quả với cộng đồng như các đề tài của giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng: Nghiên cứu về ô nhiễm tiếng ồn tại TP Hồ Chí Minh, thiết kế mạng năng lượng bền vững cho cộng đồng nông thôn, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường để kiểm soát chất lượng nước kênh rạch, xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ…

Một trong những tấm gương điển hình tham gia nghiên cứu khoa học tại các trường đại học là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh), đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, xuất bản nhiều bài báo quốc tế, đồng thời tổ chức nhiều sân chơi nghiên cứu khoa học cho sinh viên như Dancing robot, Múa rối nước, Robot leo dây...

Còn Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học (Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh) đạt danh hiệu “Quả cầu vàng 2018” lĩnh vực công nghệ môi trường, với các công trình nghiên cứu tập trung vào vấn đề xử lý các chất gây ô nhiễm nguồn nước và độc học môi trường.

“Qua hoạt động nghiên cứu khoa học, tôi mong muốn có thể góp công sức của mình để cải thiện môi trường sống. Tôi hy vọng các cấp lãnh đạo tiếp tục tạo điều kiện để những người trẻ như tôi có thể đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước”, Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy chia sẻ.

Để công tác nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, các trường đại học cần nhanh chóng xây dựng chiến lược khoa học công nghệ bài bản, đồng thời đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ dựa trên kết quả đầu ra.

Đặc biệt, việc thí điểm khoán kinh phí căn cứ trên sản phẩm đầu ra là một trong các giải pháp rất quan trọng nhằm tạo môi trường thông thoáng, giúp khơi nguồn và phát huy sức sáng tạo khoa học trong nhà trường.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho hay, để có được các công trình nghiên cứu khoa học tốt cần xuất phát từ việc đầu tư bài bản hệ thống phòng thí nghiệm, đội ngũ nhân lực có trình độ cao. Vì vậy, chính sách của nhà trường trong những năm tới sẽ tập trung đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, mở rộng hệ thống kết nối thông tin thư viện điện tử... và thu hút những giảng viên có trình độ cao về giảng dạy, nghiên cứu tại trường.

Ông Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu, muốn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học có hiệu quả thì phải điều chỉnh nhiều chính sách. Trong đó, liên bộ Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ cần phối hợp thay đổi mô hình đầu tư cho khoa học và công nghệ của các trường đại học; không phân biệt giữa trường công, trường tư mà hướng tới sản phẩm đầu ra của nghiên cứu khoa học, tạo ra sản phẩm phục vụ đào tạo nhân lực và ứng dụng trực tiếp cho xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy sáng tạo khoa học trong nhà trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.