Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều thông tin bổ ích trước khi chọn nghề

Thống Nhất| 18/03/2019 06:57

(HNM) - Gần 20 nghìn học sinh Hà Nội và các địa phương lân cận đã có mặt tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 17-3 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sự kiện thu hút học sinh bởi chỉ còn hai tuần nữa (từ ngày 1-4) là đến thời điểm các em làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019. Với sự tham gia của hơn 20 chuyên gia các bộ, ngành; hàng trăm cán bộ, giảng viên của gần 100 trường đại học, cao đẳng, trường nghề... các em đã có nhiều thông tin bổ ích trước khi chọn nghề.

Đông đảo thí sinh tham dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019.Ảnh: Thống Nhất


Có thể chọn cả 2 bài tổ hợp

Trước nhiều băn khoăn của học sinh về những quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019, ngay đầu phiên tư vấn, PGS.TS Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ giữ ổn định như năm 2018 với mục tiêu vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa làm căn cứ xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ điều chỉnh những vấn đề liên quan đến khâu kỹ thuật.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết sẽ nỗ lực để tổ chức kỳ thi an toàn, bảo đảm kết quả chính xác, không để xảy ra gian lận, tạo sự công bằng cho thí sinh” - PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định.

Với câu hỏi: “Năm trước đề thi THPT được đánh giá là khá dễ, vậy đề thi năm nay liệu có tăng độ khó không và số bài thi có tăng hơn so với năm trước?”, PGS.TS Mai Văn Trinh giải đáp: Nội dung đề thi THPT quốc gia năm 2019 bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, chủ yếu là lớp 12.

Tuy nhiên, không có kiến thức ở bậc học nào mà không có sự kế thừa từ các bậc học, các lớp dưới. Bởi vậy, định hướng đề nằm chủ yếu trong chương trình lớp 12 có nghĩa là nội dung các câu hỏi có sự kế thừa của các lớp trong bậc học này.

Về số bài thi, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tổ chức 5 bài thi độc lập, trong đó có 3 bài bắt buộc với mọi thí sinh, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ phải làm 4 bài thi, song để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, các em có thể chọn dự thi cả 2 bài tổ hợp. Nếu theo phương án này thì mỗi thí sinh sẽ bắt buộc làm 5 bài thi.

Học ngành nào để không thất nghiệp?

Còn hai tuần nữa là tới thời điểm học sinh đăng ký hồ sơ tham dự kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng, song hiện vẫn còn nhiều em băn khoăn về việc chọn trường, chọn ngành cho phù hợp. Câu hỏi “Nên chọn ngành nào để không thất nghiệp khi ra trường?” của em Lê Hoàng Nam (Trường THPT Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cũng là sự băn khoăn chung của nhiều học sinh.

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) tư vấn, trước hết, thí sinh cần xác định rõ mình thích làm nghề gì? Mỗi nghề đòi hỏi những yêu cầu nhất định, từ đó xem mình có đáp ứng được các yêu cầu đó không để cân nhắc, lựa chọn. Trong đề án tuyển sinh của các trường đều công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào từng ngành và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong hai năm gần nhất. Đây là căn cứ để các em lựa chọn, quyết định đăng ký ngành học vừa sức, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Trước băn khoăn về ý định đăng ký dự tuyển vào ngành sư phạm, nhưng lại sợ bị thất nghiệp của nhiều học sinh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: Theo thống kê từ các nhà trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt trung bình 86%, riêng ngành sư phạm đạt 81%.

Để hạn chế tối đa tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp, từ năm 2018, Bộ đã đề nghị các địa phương thống kê nhu cầu sử dụng giáo viên ở từng môn, từng cấp học, làm căn cứ để Bộ giao chỉ tiêu tuyển sinh. Như vậy, số lượng sinh viên ra trường sẽ sát hơn với thực tế, có nghĩa là tỷ lệ sinh viên sư phạm có việc làm những năm tới sẽ cao hơn mức 81%.

Giải tỏa mối lo của nhiều học sinh nữ khi cho rằng, học sinh nữ ít có cơ hội học tập và việc làm ở những ngành kỹ thuật, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: Cơ hội học tập đối với nam và nữ là như nhau. Hiện tại trường có gần 24% số học sinh là nữ theo học ở các ngành như cơ khí, điện, điện tử viễn thông...

Tại một số đơn vị, doanh nghiệp mà trường có cơ hội hợp tác, tỷ lệ nhân viên nữ cũng chiếm khoảng 30% và có chiều hướng tăng. Có thể nói, cơ hội việc làm của nam và nữ không có sự khác biệt lớn, thậm chí cơ hội việc làm đối với nữ là cao hơn bởi số lượng sinh viên nữ ở khối ngành kỹ thuật đang ít hơn.

Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019 tại Hà Nội có 150 gian tư vấn, cung cấp thông tin và tư vấn trực tiếp cho học sinh, phụ huynh học sinh về những quy định liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia, những yêu cầu cụ thể của từng ngành, trường đào tạo trong cả nước. Ngoài ra, Ban tổ chức còn có 3 khu vực tư vấn chuyên sâu nhằm hỗ trợ học sinh lựa chọn ngành, trường đúng với năng lực, sở thích; hướng dẫn cách bố trí thời gian học tập, ôn luyện và giải tỏa áp lực thi cử...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thông tin bổ ích trước khi chọn nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.