Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa nét đẹp từ những nữ nhà giáo

Thống Nhất| 23/03/2019 06:59

(HNM) - Với quy mô giáo dục lớn nhất nước (hơn 2.700 trường học, gần 2 triệu học sinh), đội ngũ nhà giáo của Hà Nội (hơn 110 nghìn người) luôn tận tâm, tận lực phấn đấu để ngành Giáo dục Thủ đô giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước.

Cô giáo Dương Thị Thu Hà được nhận danh hiệu Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo.


Phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động từ năm 1989. 40 năm qua, phong trào đã lan tỏa sâu rộng, tạo động lực để đội ngũ nhà giáo hoàn thiện cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Minh chứng cho điều ấy là sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đội ngũ nhà giáo Thủ đô thời gian qua, với 100% nhà giáo đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo, tỷ lệ có trình độ trên chuẩn ngày càng cao, trong đó cấp tiểu học là hơn 90%... Phấn đấu để “Giỏi việc trường”, nhiều cô giáo đã ghi dấu ấn trong nghề nghiệp không chỉ bằng sự say mê, sáng tạo về chuyên môn mà còn khiến đồng nghiệp khâm phục, phụ huynh tin yêu bởi đạo đức nghề nghiệp và tính nhân văn.

Một trong những nữ nhà giáo như thế là cô giáo Dương Thị Thu Hà (Trường Trung học phổ thông Lê Lợi, quận Hà Đông) với sáng kiến thiết kế sản phẩm giúp trẻ mắc hội chứng down học đọc - sản phẩm được chọn là một trong 4 sản phẩm tiêu biểu nhất của chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức. Niềm vui của cô giáo Hà được nhân lên khi sản phẩm được hỗ trợ phát triển, sớm đưa vào ứng dụng đại trà, mở ra cho biết bao trẻ em thiệt thòi cơ hội được tiếp cận với việc học.

Không chỉ giỏi ở trường, các cô còn là những người “đảm việc nhà”. Là vợ chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa, cô giáo Đỗ Thị Xuân (Trường Trung học phổ thông Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ) phải đảm nhận cả hai vai: Vừa là bố, vừa là mẹ của hai con nhỏ. Kết hôn năm 2007, nhưng số lần gia đình sum vầy không nhiều. Hai lần sinh nở, rồi khi xây cất ngôi nhà mới, chồng chị cũng không thể về đúng dịp. Chị đã tạm gác lại tình cảm riêng, nuôi dạy hai con ngoan ngoãn, phụng dưỡng mẹ chồng đã ngoài 70 tuổi và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường.

Từ phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, các nữ nhà giáo Hà Nội còn nỗ lực xây dựng hình ảnh nhà giáo mẫu mực bằng những hoạt động nhân văn. Bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội cho biết, đội ngũ nữ nhà giáo không chỉ làm tốt nhiệm vụ của người truyền dạy kiến thức ở trường, mà còn là người mẹ hiền nhân hậu trong lòng học trò. 5 năm gần đây, có hơn 8.000 nữ nhà giáo nhận giúp đỡ cho gần 40.000 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 6 tỷ đồng, giúp các em yên tâm học tập, giảm tỷ lệ bỏ học ở nhiều trường. Điển hình là cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (Trường Trung học phổ thông Hoài Đức A, huyện Hoài Đức) đỡ đầu 3 học sinh khó khăn bằng cách đóng góp mọi khoản chi phí học tập, mua sách, vở, bảo hiểm...; hay cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bình (Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, quận Ba Đình) dạy miễn phí cho 7 học sinh lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 1 em bị liệt...

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, điều đáng nói hơn cả đối với những nữ nhà giáo trên cả nước, trong đó có nữ nhà giáo Hà Nội, là dù đảm đương nhiệm vụ gì, ở gia đình hay tại trường học, các cô đều là hạt nhân, là điểm sáng, tạo động lực cho toàn đội ngũ nhà giáo và cộng đồng về ý chí, nghị lực vượt khó và tinh thần nhân văn cao cả. Điều ấy khẳng định rõ vị thế và sức lan tỏa nét đẹp của đội ngũ nữ nhà giáo trong sự nghiệp “trồng người”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa nét đẹp từ những nữ nhà giáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.