Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng kết nối, thêm cơ hội việc làm

Thống Nhất| 28/03/2019 07:29

(HNM) - Khởi động mùa tuyển sinh năm 2019, nhiều trường đã công bố những phương thức mới để không chỉ tăng quy mô, thu hút thí sinh giỏi mà còn tăng cường kết nối với doanh nghiệp để tạo “đầu ra” cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Không để lọt thí sinh khá, giỏi

Nhằm giúp thí sinh có thông tin tra cứu, tìm hiểu để làm hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019, từ ngày 1-4 nhiều trường đã công bố phương án tuyển sinh với những quy định cụ thể về đối tượng, chỉ tiêu, điều kiện… Đáng chú ý trong mùa tuyển sinh năm nay là việc các trường đã mạnh tay dành khoản kinh phí khá lớn cho việc hỗ trợ tân sinh viên.

Học sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Minh Đức


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Năm nay, ngoài việc mở rộng quy mô tuyển sinh, nhà trường còn có nhiều chính sách để thu hút thí sinh khá, giỏi bằng việc dành hơn 45 tỷ đồng hỗ trợ các em có điểm trúng tuyển cao, gia đình khó khăn. Việc xét hồ sơ và thông báo thí sinh đạt điều kiện cấp học bổng sẽ được hoàn tất trong tháng 5, trước khi bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019. Đây là động lực để học sinh nỗ lực học tập và nuôi dưỡng ước mơ.

Là một trong những học sinh đang ấp ủ nguyện vọng theo học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng còn e dè vì gia đình thuộc hộ nghèo, em Nguyễn Văn Tú (học sinh Trường Trung học phổ thông Trương Định, quận Hoàng Mai) chia sẻ: "Em được biết nhà trường có nhiều mức học bổng, thấp nhất là 50% mức học phí, cao nhất tới 150% mức học phí nên đang hoàn thiện hồ sơ để xin cấp học bổng. Nếu hồ sơ được phê duyệt, gánh nặng học phí ở bậc đại học sẽ được giảm nhẹ, em sẽ có thêm động lực để ôn tập thật tốt".

Cũng nhằm tăng cơ hội cho thí sinh, Giáo sư Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: Năm 2019, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường gần 6.000 chỉ tiêu, tăng 2,7 lần so với năm 2018. Nhà trường có thêm 7 ngành đào tạo mới và đều mang tính chất liên thông quốc tế, được giảng dạy bằng tiếng Anh. Nhà trường hy vọng sẽ tạo thêm một lựa chọn cho những thí sinh có ưu thế về tiếng Anh và tăng cường trao đổi, hợp tác với đào tạo nước ngoài để nâng kỹ năng cho sinh viên, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập.

Với quyết tâm không để lọt thí sinh giỏi, nhiều đơn vị như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường… đã có phương án xây dựng mức điểm chuẩn của các ngành học có sự chênh lệch nhau từ 1 đến 3 điểm. Trong trường hợp không đủ điểm vào ngành có điểm chuẩn cao, cách thức này giúp thí sinh vẫn có cơ hội xét tuyển vào các ngành học có điểm chuẩn thấp hơn, và nhà trường “giữ chân” được sinh viên.

Tăng kết nối với doanh nghiệp, cam kết “đầu ra”

Trong bối cảnh quy mô các trường có đào tạo hệ đại học, cao đẳng ngày càng mở rộng, việc ký cam kết với sinh viên sẽ có việc làm đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp đã trở thành điểm nổi bật trong mùa tuyển sinh năm 2019 của nhiều trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Hòa Bình cho biết: Nhà trường đã ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp, tập đoàn lao động và đẩy mạnh phương thức đào tạo theo đơn đặt hàng của đơn vị sử dụng lao động. Nhu cầu nguồn nhân lực cung cấp cho các đối tác này là khoảng 2.000 vị trí việc làm/năm. Sinh viên khi vào trường được ký cam kết có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, đồng thời được nhà trường, doanh nghiệp tạo điều kiện đi làm trong quá trình học để vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa cải thiện khả năng tài chính.

Nhằm nâng chất lượng “đầu ra”, Trường Đại học Giao thông - Vận tải đã điều chỉnh quy mô đào tạo, chú trọng những ngành đào tạo mới để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Quy mô tuyển sinh hằng năm của trường lên đến hơn 5.000 sinh viên. Hai năm gần đây, số lượng kỹ sư, cử nhân của trường có việc làm trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp đạt hơn 95%.

Ưu tiên đầu tư trang thiết bị, máy móc, tăng thời lượng thực hành để sinh viên được rèn kỹ năng là cách làm của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội những năm gần đây. Tiến sĩ Đồng Văn Ngữ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với 5 nghề gồm: Cắt gọt kim loại, công nghiệp ô tô, hàn, điện công nghiệp, cơ điện tử, nhà trường cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm với mức lương khởi điểm từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/tháng. Với các ngành khác, nhà trường có trách nhiệm là cầu nối, tạo điều kiện để sinh viên có nhiều cơ hội việc làm nhất ngay khi còn đang học.

Tổng hợp thông tin từ đề án tuyển sinh năm 2019 của các trường cho thấy, các trường vẫn dành phần lớn chỉ tiêu cho phương án xét tuyển dựa trên kết quả thi trung học phổ thông quốc gia; một số trường bổ sung một hoặc vài phương án xét tuyển khác như tuyển thẳng, xét kết quả thi trung học phổ thông quốc gia kết hợp với kiểm tra năng lực… Điểm chung là dù thực hiện phương án nào, việc thu hút thí sinh giỏi để nâng chất lượng “đầu vào”, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động vẫn là mục tiêu hàng đầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng kết nối, thêm cơ hội việc làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.