Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý sách giáo khoa thế nào?

Hà Phong| 13/04/2019 07:16

(HNM) - Quản lý sách giáo khoa thế nào(?) là vấn đề được nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm khi xem xét dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Quản lý sách giáo khoa là vấn đề được nhiều người quan tâm. Ảnh: Thái Hiền


Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) mới nhất gồm 10 chương, 120 điều. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quá trình xây dựng dự án luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014, của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, việc giảng dạy và học tập ở bậc phổ thông sẽ chuyển từ nền giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Trên cơ sở đó, sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông được đề xuất thực hiện theo hướng “mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa”.

Đón nhận thông tin này, không ít phụ huynh tỏ ra băn khoăn. Ông Đoàn Chí Kiên (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình; có con đang du học nước ngoài) cho biết, việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa sẽ tránh được độc quyền của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam như hiện nay. Thực tế, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ khi áp dụng có nhiều bộ sách giáo khoa trong cùng một chương trình dạy học, lúc đầu cũng đã gặp phải khó khăn. Vì vậy, ban soạn thảo luật cần có hướng dẫn cụ thể trong lựa chọn sách giáo khoa ở mỗi địa phương, mỗi vùng miền, loại hình nhà trường. Nếu quy định cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn sách giáo khoa thì phức tạp.

Cũng lo ngại lãng phí, phức tạp, theo đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi), quy định như trên sẽ dẫn đến hệ lụy mỗi trường, mỗi nhiệm kỳ lãnh đạo, niên học lại lựa chọn sách giáo khoa khác nhau, gây lãng phí, xáo trộn trong xã hội. Qua khảo sát tình hình thực tiễn tại nhiều địa phương, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có lộ trình thực hiện. Với điều kiện hiện nay, cùng một địa phương mà mỗi trường giảng dạy một sách giáo khoa khác nhau là điều bất hợp lý, khó bảo đảm chất lượng. Trước mắt chỉ nên có một chương trình và một bộ sách giáo khoa chuẩn thống nhất áp dụng chung trong cả nước...

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến chuyên gia và các đối tượng tác động để việc triển khai các quy định về sách giáo khoa thật cụ thể, bài bản, thống nhất về lộ trình và không lãng phí, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sắp tới. Khác với những lần đổi mới trước, lần này, chương trình tổng thể sẽ bám vào mục tiêu, đi vào chi tiết và môn học, tất cả được xây dựng trên nguyên tắc chuẩn đầu ra, có sự logic giữa các môn học. Để bảo đảm tính linh hoạt giữa nội dung cơ bản và văn hóa địa phương, trong chương trình thiết kế tỷ lệ 80% nội dung kiến thức khung thống nhất toàn quốc, còn lại 20% thiết kế linh động tùy thuộc vào địa phương. Các chương trình này viết theo hướng dẫn của Bộ và sẽ được thẩm định để thống nhất với chương trình tổng thể rồi mới ban hành.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù đổi mới thế nào, việc làm sách giáo khoa cũng sẽ phải dựa trên tinh thần khuyến khích giáo viên chủ động thiết kế bài giảng, tránh thụ động dựa vào sách giáo khoa. Các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý sách giáo khoa thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.