Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chạy điểm thi, dù không đến 1 tỷ đồng, vẫn phải bị xử nghiêm!

Bảo Hân| 27/05/2019 11:27

(HNMO) - Trước thông tin báo chí nêu về lời khai của một bị can trong vụ án gian lận tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Sơn La rằng, trung bình mỗi trường hợp mua điểm thi phải trả 1 tỷ đồng, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm bên hành lang Quốc hội về vụ việc này.

Đại biểu Triệu Thế Hùng (Đoàn Lâm Đồng).


Đại biểu Triệu Thế Hùng (Đoàn Lâm Đồng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, vụ án gian lận tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Sơn La là vụ việc nghiêm trọng.

Trước thông tin trung bình mỗi trường hợp mua điểm thi THPT ở Sơn La phải trả 1 tỷ đồng, đại biểu Hùng cho rằng, các cơ quan thông tin truyền thông phải có căn cứ chính xác, bởi sẽ gây tác động không tốt với ngành Giáo dục.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp tục khẳng định: “Câu chuyện ở đây không phải 1 tỷ đồng hay 1 nghìn đồng. Đã là gian lận thi cử, đã là tiêu cực, dùng tiền để sử dụng vào việc gian lận, tiêu cực thì đều nghiêm trọng và phải bị xử lý đến cùng để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật”.

Đại biểu Triệu Thế Hùng cho rằng, nếu cán bộ, đảng viên có vi phạm trong vụ việc này thì việc xử lý cũng phải theo hướng làm gương. “Tôi tin các chi bộ, đảng bộ các địa phương sẽ công tâm nhìn nhận việc này. Nếu phụ huynh có dính líu, khi có kết luận của cơ quan điều tra thì sẽ phải xử lý”, đại biểu Hùng bày tỏ.

Cùng quan điểm, đại biểu Chu Lê Chinh (Đoàn Lai Châu) cho rằng, “giá” chạy điểm là 1 tỷ đồng, ít hơn hay nhiều hơn, thì đều là hành vi tiêu cực trong thi cử và cần được làm rõ, công khai thông tin để nhân dân biết.


Đại biểu Chu Lê Chinh.


Việc công khai danh tính của thí sinh, kể cả phụ huynh và những cá nhân trong cơ quan quản lý có sai phạm, theo đại biểu Chinh, đều phải được thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm tạo sự công bằng trong xã hội, công bằng trong chính sách pháp luật.

“Để xảy ra vụ việc nghiêm trọng như vậy, trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào?”, đại biểu Chu Lê Chinh nêu vấn đề. Trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch Hội đồng chấm thi, công tác quản lý giáo dục của địa phương ở lĩnh vực này và cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra vấn đề thi cử.

"Tôi đề nghị phải làm nhanh và có kết luận chính xác, đúng người, đúng hành vi và tính chất vi phạm, đúng quy định của pháp luật”, đại biểu Chu Lê Chinh đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chạy điểm thi, dù không đến 1 tỷ đồng, vẫn phải bị xử nghiêm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.