Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 8: Tăng đầu tư, nâng chất lượng giáo dục

Thống Nhất| 14/07/2019 07:39

(HNM) - Sau hai thập niên với nhiều đổi thay cùng những thách thức không nhỏ, ngành Giáo dục Thủ đô luôn giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước. Dù trong bối cảnh nào, Hà Nội vẫn luôn dành sự quan tâm, tăng cường đầu tư hệ thống trường, lớp, nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nên các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”.

Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại với 30 phòng học tiêu chuẩn tiên tiến cùng các phòng chức năng chuyên biệt.    Ảnh: Hoàng Hùng

Coi trọng phát triển hệ thống trường, lớp

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Kim Hoãn, người đảm nhận vị trí quản lý cao nhất của ngành Giáo dục Thủ đô trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2002, nhớ lại: "Vấn đề phát triển giáo dục - đào tạo và quy hoạch hệ thống trường, lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân đã được Hà Nội coi trọng từ giai đoạn này. Đây là giải pháp giúp Hà Nội chủ động xác định quy mô, lộ trình đầu tư tương ứng về đất và kinh phí để phát triển giáo dục; đồng thời góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô".

Dù ngân sách còn hạn hẹp, song việc đầu tư cơ sở vật chất để học sinh được học 2 buổi/ngày đã được Hà Nội tập trung triển khai, trở thành địa phương đi đầu cả nước thực hiện mô hình này.

Đến nay, toàn thành phố đã có gần 95% số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, vừa đáp ứng nhu cầu chăm sóc, quản lý con em của các bậc phụ huynh, vừa giúp học sinh có thêm cơ hội phát triển toàn diện. Đây cũng là cơ sở để khuyến khích các nhà trường không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ và đạt chuẩn.

Với sức hút của một thành phố thân thiện, đầy tiềm năng, Hà Nội đã sớm xác định được nhu cầu lớn về chỗ học của trẻ. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa loại hình trường học, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh là chủ trương được thành phố cụ thể hóa trong nhiều văn bản, nghị quyết suốt 20 năm qua. Tùy theo điều kiện, học sinh có thể học văn hóa, học nghề hoặc lựa chọn phương thức học giáo dục thường xuyên với số môn ít hơn, thời gian học tập linh hoạt.     

Hà Nội cũng là địa phương có số trường ngoài công lập lớn nhất, với hơn 300 trường, tăng gấp 10 lần so với năm 1999. Sự phát triển mạnh mẽ của các trường ngoài công lập không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, mà còn tạo sự cạnh tranh, kích thích các trường công lập không ngừng nỗ lực để cải thiện mọi mặt, nâng cao chất lượng dạy và học.

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, những nỗ lực ấy đã góp phần không nhỏ để Hà Nội hoàn thành các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 1999, trở thành địa phương đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt tiêu chuẩn này.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia là phần việc trọng tâm, xuyên suốt của thành phố Hà Nội trong hai thập niên qua, góp phần tạo nên bước chuyển biến mạnh về chất lượng giáo dục.

Năm 2018, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội đạt 151% kế hoạch, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố lên gần 1.500 trường, chiếm tỷ lệ  67%. So với năm 2008, số trường được công nhận đạt chuẩn tăng hơn 900 trường.

Rút ngắn khoảng cách giữa các địa bàn

Năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục ở Thủ đô đứng trước nhiều thách thức, bởi địa bàn rộng, mạng lưới trường lớn và sự khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội giữa các địa phương.

Trước thực tế ấy, thành phố Hà Nội đã có nhiều quyết sách đồng bộ để cải thiện hạ tầng và tăng cường đầu tư thiết bị dạy học, với quan điểm là ưu tiên cho vùng khó khăn. Một số dự án lớn đã được triển khai như xây mới hơn 5.500 phòng học cho các trường ở 15 quận, huyện, thị xã thuộc địa bàn Hà Nội mở rộng, với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng; hỗ trợ việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường học thuộc 14 xã miền núi với số tiền 650 tỷ đồng...

Cùng với việc tăng cường đầu tư cho thư viện trường học, chương trình chiếu sáng học đường, nước sạch, thành phố Hà Nội cũng tích cực huy động các nguồn lực để cải thiện công trình vệ sinh, góp phần tạo lập môi trường học tập thân thiện và bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Theo ông Đặng Văn Viện, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức, từ năm 2008 đến nay, diện mạo các nhà trường trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực. Từ chỗ chỉ có 40% số phòng học kiên cố, đến nay tỷ lệ này đã đạt hơn 90%. Trong số 78 trường học trên địa bàn huyện, có 42 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 54%, tăng gấp 3 lần so với năm 2008.

Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất, Hà Nội đặc biệt coi trọng việc phát triển đội ngũ nhà giáo. Với quy mô gần 100.000 giáo viên, tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở các cấp học đều đạt chuẩn 100%. Việc điều động, luân chuyển cán bộ, giáo viên giữa các địa bàn được thực hiện minh bạch, khoa học, tạo sức bật cho các trường học vùng khó khăn, góp phần làm nên thành tích chung của toàn ngành.

Cuối năm 2018, Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tăng mức độ đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ mức độ 2, lên mức độ 3 (tỷ lệ thanh, thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở tăng từ 90% lên 95%...); duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học.

Năm học 2018-2019, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu về chất lượng giáo dục, với 134 giải cấp quốc gia. Tại các kỳ thi cấp quốc tế, học sinh Thủ đô đã giành 197 giải và huy chương. Hà Nội cũng tự tin khẳng định với bạn bè quốc tế về tính chuyên nghiệp và sự mến khách, bằng việc tổ chức thành công kỳ thi toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 15 vào tháng 3-2019, với hơn 500 thí sinh trong và ngoài nước tham dự.

Đó là kết quả từ những nỗ lực của chính quyền, nhân dân Thủ đô trong hai thập niên qua, nhằm rút ngắn khoảng cách về điều kiện dạy, học, bảo đảm đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn, góp phần vào sự phát triển bền vững của Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 8: Tăng đầu tư, nâng chất lượng giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.