Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cả nước bước vào năm học mới: Gắn dạy chữ với dạy người

Thống Nhất| 05/09/2019 06:44

(HNM) - Hôm nay, ngày 5-9, hơn 23 triệu học sinh trong cả nước bước vào năm học mới 2019-2020. Cùng với cả nước, gần 150.000 nhà giáo và 2 triệu học sinh Thủ đô quyết tâm tiên phong trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn dạy chữ với dạy người, góp phần đào tạo các thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước trở thành những người thực tài và có đức.

Hà Nội là địa phương đầu tiên giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh”. Ảnh: Viết Thành

Vẫn còn nhiều thách thức

Năm học 2018-2019 đánh dấu chặng đường 5 năm ngành Giáo dục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Báo cáo tổng kết năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá: Ngành Giáo dục đã thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo, tạo những kết quả bứt phá. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non được quan tâm; chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao; việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh được tích cực triển khai theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực…

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, ngành Giáo dục đang đối mặt với khá nhiều thách thức, tồn tại cần được giải quyết căn bản để giáo dục và đào tạo thực sự đổi mới toàn diện. Đó là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên hạn chế; vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, có hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức…

Theo ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nguyên nhân là công tác quản lý ở một số trường học còn hạn chế; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa hiệu quả…

Còn theo bà Nguyễn Trâm Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa), việc giáo dục đạo đức chưa đạt hiệu quả còn do chính người dạy chưa gương mẫu. Đây đó vẫn để xảy ra bạo lực học đường, một số giáo viên yếu về năng lực và nghiệp vụ, vi phạm đạo đức, khiến phụ huynh bức xúc.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, lâu nay các nhà trường thường coi trọng việc dạy chữ, chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc dạy người. Nếu gắn dạy chữ với dạy người thật tốt, thì sẽ đào tạo ra những công dân có ích, thực tài.

Kiên trì công cuộc dạy người

Năm học 2019-2020, ngành Giáo dục quyết tâm tạo chuyển biến căn bản trong công tác giáo dục và đào tạo.       Ảnh: Nhật Nam

Trước những bất cập trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ngành Giáo dục quyết tâm tạo chuyển biến căn bản về việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong năm học 2019-2020. Đây cũng là nội dung được nhấn mạnh trong chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học 2019-2020.

Là địa phương có số lượng học sinh lớn nhất cả nước, công tác giáo dục đạo đức được ngành Giáo dục Thủ đô kiên trì triển khai. Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất biên soạn, đưa vào giảng dạy đại trà từ lớp 1 đến lớp 12 bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh” từ nhiều năm nay.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, để tạo chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục đạo đức cho học sinh, Hà Nội tiếp tục coi trọng việc rèn kỹ năng sống; gắn học với hành; chú trọng kết hợp dạy chữ với dạy người; xây dựng ý thức, trách nhiệm công dân của học sinh; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội…

Ngoài các giải pháp chung, tùy điều kiện thực tế, mỗi đơn vị, trường học đã cụ thể hóa mục tiêu và vận dụng các giải pháp của ngành theo cách riêng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), nhà trường luôn coi trọng việc rèn nền nếp và ý thức tu dưỡng, đạo đức của học sinh, coi đây là nền tảng để các em học tập tốt. Bởi thế, bài học đầu tiên của học sinh trong những ngày đầu năm học mới bao giờ cũng là về lịch sử truyền thống của nhà trường, của Thủ đô và đất nước, với mong muốn khích lệ các em nỗ lực học tập, rèn luyện.

Còn theo bà Bùi Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng, ngoài việc tăng cường đầu tư cho thư viện truyền thống, năm học 2019-2020, huyện còn xây dựng khoảng 10 thư viện “mở” tại các nhà trường, mỗi thư viện trị giá hơn 600 triệu đồng. Việc này vừa nhằm mở rộng không gian sinh hoạt, học tập, trải nghiệm cho học sinh, xây dựng cho học sinh thói quen đọc sách, vừa góp phần nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh thông qua việc đọc sách...

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, một trong những yêu cầu mới đối với các trường học trong năm học 2019-2020 là tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên về kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm.

Ngoài ra, Sở còn nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của đội ngũ giáo viên với yêu cầu mỗi giáo viên phải không ngừng hoàn thiện mình để không chỉ có chuyên môn giỏi, phong cách đẹp mà còn có phẩm chất đạo đức tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả nước bước vào năm học mới: Gắn dạy chữ với dạy người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.