Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng chất lượng dạy và học bậc THCS: Giảm sự chênh lệch giữa các địa bàn

Thống Nhất| 24/10/2019 06:33

(HNM) - Việc đổi mới phương thức tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 của Hà Nội đã tác động mạnh đến việc dạy, học ở các trường trung học cơ sở từ đầu năm học tới nay, với quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học, đánh giá thực chất việc học của học sinh. Quyết tâm ấy đang được cụ thể hóa ở mỗi trường học, địa phương bằng nhiều giải pháp, nhằm giảm sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn, tạo nền tảng phát triển nguồn nhân lực ở Thủ đô.

Việc đổi mới phương pháp dạy, học và kiểm tra, đánh giá theo hướng thực chất là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt

Còn nhiều chênh lệch

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có gần 650 trường trung học cơ sở (bao gồm cả các trường liên cấp), với hơn 450.000 học sinh. Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, những năm gần đây, chất lượng giáo dục ở cấp trung học cơ sở có chuyển biến rõ rệt cả về mặt học lực và hạnh kiểm. Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi chiếm gần 78%; tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt chiếm 99%. Năm học 2018-2019, trên địa bàn Hà Nội, 11/30 quận, huyện, thị xã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 (tỷ lệ thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở ít nhất đạt 90%); 19/30 quận, huyện, thị xã đạt chuẩn mức độ 3 (tỷ lệ thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở ít nhất đạt 95%).

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục ở cấp trung học cơ sở vẫn còn một vài “khoảng tối”, khi còn 2,48% số học sinh xếp loại yếu và 0,13% số học sinh xếp loại học lực kém (tương đương với gần 12.000 học sinh). Điều thấy rõ nhất là điểm xét tuyển của học sinh cấp trung học cơ sở khi tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có sự chênh lệch rõ rệt ở các địa bàn nội thành và ngoại thành.

Năm học 2019-2020, toàn thành phố có gần 190 trường trung học cơ sở có tổng điểm thi 4 môn (trong đó môn toán và môn văn nhân đôi) của học sinh đạt từ 40,0 điểm trở lên (chiếm khoảng 30% tổng số trường); 60 trường có tổng điểm thi 4 môn đạt dưới 30,0 điểm (khoảng 10% tổng số trường). Học sinh ở khu vực các quận thường có tổng điểm thi cao hơn. Đơn cử như các trường trung học cơ sở: Chu Văn An (quận Tây Hồ) 49,41 điểm; Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm) 49,30 điểm; Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) 49,03 điểm... Trong khi đó, học sinh của một số trường trung học cơ sở ở các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Chương Mỹ... chỉ đạt tổng điểm của 4 môn thi ở mức trên dưới 20 điểm.

Theo bà Nguyễn Thị Ngà, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Phú Châu (huyện Ba Vì), do điều kiện học tập của học sinh ở hầu hết các trường khu vực miền núi, nông thôn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cho nên dù thầy và trò có cố gắng, song chất lượng dạy, học vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên, là do “căn bệnh thành tích” vẫn còn tồn tại, nên việc đánh giá, cho điểm học sinh chưa thực chất. Khi tham dự các kỳ thi chung của quận hoặc của thành phố, thì điều này mới thể hiện rõ.

Nâng chất lượng, giảm khoảng cách

Trường THCS Bình Minh (huyện Thanh Oai) được đầu tư hệ thống máy tính hiện đại phục vụ học tập. Ảnh: Giang Sơn

Nâng cao chất lượng, giảm khoảng cách về chất lượng, không chỉ tạo sự bình đẳng trong việc thụ hưởng giáo dục của học sinh ở mọi vùng, miền trên địa bàn Hà Nội, mà còn là giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới giải quyết căn bản hiện tượng chọn trường, chọn lớp và học trái tuyến của ngành Giáo dục Thủ đô. Quyết tâm ấy đã và đang được các địa phương, nhà trường cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, để phát hiện và khắc phục “bệnh thành tích”, quận Tây Hồ thường xuyên tổ chức kiểm tra chung ít nhất 4 lần/năm học đối với tất cả học sinh, trong đó đặc biệt quan tâm tới học sinh lớp 6 và lớp 9. Kết quả kiểm tra được phân tích kỹ và gửi về các nhà trường. Việc tạo ra thước đo chung đã giúp các cấp quản lý phát hiện những lỗ hổng trong kiểm tra, đánh giá học sinh ở từng đơn vị, từ đó có giải pháp phù hợp. Ngoài ra, việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá cũng là biện pháp đang được ngành Giáo dục quận Tây Hồ tích cực triển khai.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng An, quận Tây Hồ Nguyễn Thị Kim Xuân, năm học 2019-2020, nhà trường đặc biệt quan tâm, hỗ trợ những học sinh có học lực từ trung bình trở xuống. Việc phối hợp với phụ huynh học sinh trong quản lý, giáo dục cũng được lưu tâm hơn, nhằm tạo sự đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các lớp.

Đồng quan điểm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Lê chia sẻ, năm học 2019-2020, huyện Thanh Trì tập trung chỉ đạo các nhà trường khắc phục “bệnh thành tích”, coi trọng việc học thật, đánh giá thật. Nếu phát hiện đơn vị nào có biểu hiện thiếu nghiêm túc trong kiểm tra, đánh giá học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ kiểm điểm giáo viên, hiệu trưởng và có hình thức xử lý phù hợp để chấn chỉnh.

Xây dựng môi trường dạy và học đạt chuẩn để tạo ra “sản phẩm” chất lượng là chủ trương của ngành Giáo dục Thủ đô đã được nhiều đơn vị cụ thể hóa trong kế hoạch năm học. Theo ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai, toàn huyện đã có 69 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 72,5%, cao hơn 5% so với tỷ lệ trung bình toàn thành phố. Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo sự đồng đều giữa các trường trên địa bàn huyện, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo 5 tiêu chí trường chuẩn quốc gia luôn được lãnh đạo huyện ưu tiên. 

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, để tạo sự đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các nhà trường, thành phố Hà Nội đã và đang tập trung nguồn lực để đầu tư cải thiện điều kiện dạy và học, trong đó ưu tiên cho các trường học ở vùng khó khăn. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tham mưu UBND thành phố hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường học của 14 xã miền núi; tiếp tục xây mới để thay thế các phòng học tạm, phòng học nhờ ở các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên...; đồng thời, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các địa bàn khó khăn.

“Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định về kiểm tra, đánh giá theo hướng bảo đảm thực chất; hoàn thiện phương án đổi mới thi lớp 10 nhằm tác động tới việc dạy và học ở cấp trung học cơ sở một cách toàn diện, giải quyết hiện tượng học lệch và “bệnh thành tích”, ông Lê Ngọc Quang thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng chất lượng dạy và học bậc THCS: Giảm sự chênh lệch giữa các địa bàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.