Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn cản trẻ đến trường là trái với ứng xử nhân văn trong xã hội

Bảo Hân (ghi)| 26/11/2019 09:10

(HNMO) - Ngày 26-11, trao đổi bên lề kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ quan điểm về việc một số người dân huyện Mê Linh (Hà Nội) không đồng thuận trong triển khai dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước nên cho con nghỉ học để gây sức ép là việc làm không được phép vì các em chưa đủ tuổi công dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng.

“Các em làm gì phải có sự giám hộ của người lớn như cha mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật. Do đó, việc một số người dân, có thể có hình thức khác nhau để thể hiện chính kiến của mình theo quy định của pháp luật, nhưng không được lôi kéo người khác cùng tham gia, đặc biệt với trẻ em”, ông Thắng nêu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm dưới góc độ thực hiện quyền trẻ em, quyền đi học của các em được Hiến pháp cũng như pháp luật bảo vệ: Bất cứ ai có hành vi ngăn cản việc đến trường của các em, dụ dỗ các em không đi học để gây sức ép với chính quyền địa phương đều là hành vi đáng lên án vì trái pháp luật, trái với ứng xử nhân văn trong xã hội.

Để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng này, theo ông Thắng, phải xem xét việc ngăn chặn các em đến trường xuất phát từ đối tượng nào? Nếu từ những đối tượng có chủ đích thì hành vi đó vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự. 

“Tuy nhiên, nếu chính phụ huynh là người ngăn cản các em đến trường, nhà trường, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp cần phải tích cực vận động, tuyên truyền để phụ huynh nhận thức đúng về các quy định của pháp luật, về trách nhiệm của mình với con cái, tạo điều kiện cho các em thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập, tạo điều kiện để các em tiếp tục đến trường. Bởi, dù việc không cho con đến trường là trái pháp luật, nhưng phụ huynh có thể còn chịu ảnh hưởng của quan hệ xóm làng, họ hàng”, ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Như đã đưa tin, những ngày qua, việc một số người dân huyện Mê Linh (Hà Nội) không đồng thuận trong triển khai dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước nên đã cho con nghỉ học để gây sức ép, làm ảnh hưởng đến công tác dạy - học ở các nhà trường.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh, sự việc bắt đầu từ ngày 14-11-2019 khi nhiều phụ huynh ở một số xã cho con nghỉ học nhằm gây sức ép với chính quyền địa phương để dừng việc triển khai dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước. 

Số học sinh nghỉ học bất thường tiếp tục tăng trong những ngày sau đó và đỉnh điểm là ngày 18-11 có 2.028 em nghỉ học. Hầu hết học sinh đều nghỉ học không phép, một số em báo ốm hoặc bận việc gia đình.

Trước tình trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và UBND huyện Mê Linh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng đã trực tiếp đối thoại với khoảng 300 người dân xã Thanh Lâm về dự án... 

Với những nỗ lực của chính quyền và các nhà trường, những ngày cuối tuần qua số học sinh nghỉ học giảm hẳn. Tính đến ngày 23-11 (thứ bảy), trừ các trường mầm non, tiểu học được nghỉ học, còn 213 học sinh Trường Trung học cơ sở Tam Đồng nghỉ học. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn cản trẻ đến trường là trái với ứng xử nhân văn trong xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.