Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tư vấn tâm lý cho học sinh: Cần sự quan tâm hơn nữa

Thống Nhất| 04/12/2019 06:46

(HNM) - Sự việc một nữ sinh cấp trung học cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh tự tử vì giận mẹ xem điện thoại cách đây vài ngày khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Cảm thấy bế tắc, không đồng tình và phản ứng tiêu cực là trạng thái của không ít học sinh hiện nay. Đồng hành, tư vấn tâm lý để kịp thời tháo gỡ bế tắc, định hướng hành vi cho học sinh là việc làm cần được quan tâm hơn nữa.

Tư vấn tâm lý cho học sinh tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

“Khát khao” được chia sẻ 

Trở lại sự việc nữ sinh ở thành phố Hồ Chí Minh tự tử cách đây vài ngày, rất may mắn, hành vi bồng bột này đã không để lại hậu quả đáng tiếc, song điều đáng nói đây không phải là trường hợp cá biệt và không phải em học sinh nào cũng may mắn được cứu sống. Đầu tháng 11-2019, hàng nghìn học sinh của một trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội đã bất ngờ, đau xót trước quyết định tự tử bồng bột của một nam sinh cùng trường. Trước đó vài năm, tại Hà Nội cũng xảy ra một trường hợp nữ sinh chọn cách từ bỏ cuộc sống để minh oan cho việc mình không lấy trộm tiền quỹ lớp. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định, bên cạnh những hệ giá trị mới được hình thành trong quá trình hội nhập, thế hệ trẻ ngày nay cũng chịu tác động không nhỏ từ những vấn đề tiêu cực mà không phải em nào cũng dễ vượt qua. 

Bà Trần Minh Lan, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa cho rằng: “Nhiều học sinh, nhất là các em học trung học cơ sở và trung học phổ thông đang ở độ tuổi bồng bột, đôi khi chỉ gặp căng thẳng trong học tập, hoặc có xung đột trong mối quan hệ với thầy cô, bạn bè… là có thể nảy sinh hành vi thiếu suy nghĩ. Nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời, rất dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc”. 

Xác định vai trò quan trọng của công tác tư vấn tâm lý đối với học sinh, năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo quốc gia nhằm xây dựng mô hình tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông. Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, trong đó quy định rõ các hình thức tư vấn; trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh trong công tác tư vấn. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực, thiếu cơ sở vật chất, hạn hẹp về kinh phí…  nên nhiều trường học chưa dành sự quan tâm đúng mức đến công tác này. 

Giúp tăng khả năng “miễn dịch” 

Việc duy trì các hình thức tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh trong học tập và cuộc sống là cách thức hiệu quả giúp các em hình thành khả năng tự giải quyết vấn đề, tăng khả năng “miễn dịch” trước những tác động phức tạp của xã hội. 

Việc duy trì các hình thức tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh là cách thức hiệu quả giúp các em hình thành khả năng tự giải quyết vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

Hiệu quả của việc đồng hành, lắng nghe và kịp thời tư vấn tâm lý cho học sinh đã được khẳng định trên thực tế. Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình là một trong số ít các trường phổ thông đã thành lập và duy trì mô hình tư vấn tâm lý cho học sinh từ cách đây gần 20 năm. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục của trường chia sẻ, ngoài cán bộ tư vấn chuyên trách, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cũng chính là những người cùng tham gia vào hệ thống tư vấn để theo sát mọi diễn biến tâm lý, tình cảm của từng học sinh. Mô hình này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo chất lượng và nhân cách của học sinh... 

Ông Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm thông tin, khảo sát của nhà trường cho thấy, nhu cầu được chia sẻ, gỡ rối về những khó khăn trong học tập, trong cuộc sống của các em học sinh khá lớn. Ngoài ra, những học sinh lớp 12 còn có nhiều tâm tư về tình cảm, về giới tính, về những xung đột trong việc chọn ngành nghề… Nhà trường đã thành lập tổ tư vấn cho học sinh, bao gồm: Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm. Thực tế triển khai cho thấy, ở nhiều trường hợp, đối tượng tư vấn không chỉ dừng lại ở học sinh, mà còn ở phía tác nhân gây ra hoặc tác động đến tâm lý học sinh (như bố, mẹ, anh chị, thậm chí là chính thầy, cô giáo).

Bà Lê Quỳnh Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm bày tỏ: “Tôi thấy đội ngũ làm công tác tư vấn cho học sinh ở nhiều trường hiện nay đều là kiêm nhiệm, hạn chế về thời gian, nguồn kinh phí. Bởi vậy, việc xã hội hóa hoạt động tư vấn học đường là một giải pháp vừa giải quyết những khó khăn của nhà trường, vừa giúp học sinh có điều kiện học tập, phát triển tốt”. 

Đối với Hà Nội, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, hiện nay các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố đều đã có tổ tư vấn tâm lý cho học sinh. Đội ngũ giáo viên tham gia làm công tác tư vấn cũng đã được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, để có sự đồng hành, hỗ trợ tốt nhất cho học sinh về mọi mặt, phát hiện những trường hợp “có vấn đề” để can thiệp kịp thời, cần sự chung tay có trách nhiệm của cả tập thể, trong đó có vai trò quan trọng của giáo viên chủ nhiệm lớp và sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh học sinh với cùng mục tiêu đem đến những điều tốt đẹp nhất cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư vấn tâm lý cho học sinh: Cần sự quan tâm hơn nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.