Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng nói tìm công lý của những người phụ nữ bị lạm dụng tình dục tại Colombia

Thương Nguyệt| 24/10/2018 17:19

(HNMO) – Hai tay ôm đầu, Yeimy không thể ngăn những dòng nước mắt khi nhớ lại hình ảnh người chồng bị bịt miệng, trói vào cây cột và buộc phải chứng kiến cảnh 4 thành viên thuộc Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia cưỡng hiếp cô 12 năm về trước.

Elkin, chồng của Yeimy, từng bị đơn vị Mặt trận 45 của FARC đóng tại vùng Tolima (miền Trung Colombia) bắt cóc chỉ vì không đóng một khoản thuế và khước từ để con trai 6 tuổi trở thành một thành viên của lực lượng này.

Sau khi cuốc bộ qua rừng suốt nhiều ngày, Yeimy đã tìm đến khu trại của FARC, cầu xin trả tự do cho người chồng. Chỉ huy FARC mang bí danh Pepito chấp nhận đề nghị nhưng với một điều kiện kinh khủng."Ông ta nói sẽ chọn 4 người đàn ông để họ có thể làm bất kỳ điều gì với tôi”, Yeimy cho biết.

Yeimy chỉ tay về phía khu rừng, nơi cô bị cưỡng hiếp để giải cứu chồng. Ảnh: Reuters


Để giải cứu chồng, người phụ nữ 37 tuổi không còn lựa chọn, buộc phải để binh sĩ FARC thực hiện hành vi đồi bại. Yeimy cùng gia đình sau đó bỏ chạy đến Soacha, thành phố tự trị gần thủ đô Bogota, nơi sinh sống của hàng chục nghìn người mất nhà cửa vì xung đột giữa FARC và Chính phủ Colombia.

Nỗi ám ảnh với Yeimy chưa dừng lại vì những kẻ bắt cóc đã tìm thấy gia đình cô hai năm sau đó, tuyên bố họ vẫn nợ FARC khoản thuế chưa nộp kể trên. Một lần nữa, FARC lại bắt chồng cô. Lần này, Elkin không có cơ hội trở về với gia đình do bị bắn chết. 

Yeimy bên các con và ảnh người chồng quá cố. Ảnh: Reuters


Yeimy là một trong số hàng trăm phụ nữ dũng cảm lên tiếng về tình trạng lạm dụng tình dục xảy ra trong thời gian của cuộc nội chiến Colombia kéo dài 5 thập kỷ. FARC hồi năm 2016 đã đồng ý ngừng bắn – thỏa thuận đặt nền móng cho việc thành lập Tòa án Hòa bình đặc biệt (JEP) nhằm xét xử những trường hợp phạm tội trong thời gian nội chiến.

Sonia Tarquino, người điều hành một chương trình dành cho những nạn nhân bị lạm dụng tình dục tại Soacha suốt 4 năm vừa qua cho biết, Yeimy đang tham gia trị liệu tâm lý để vượt qua nỗi sợ hãi, trước khi có thể ra làm chứng tại tòa.

Lina, một nạn nhân khác cho biết, cô đã bị thành viên lực lượng bán quân sự cực hữu “Heroes of the Montes de Maria” lạm dụng tình dục 22 năm về trước. Khi từ chối vì không thể tiếp tục chịu đựng thêm, những tên này không ngần ngại đánh đập Lina bằng cọc dựng lều.

Lina ngồi nghỉ tại một khu rừng ở Soacha, hồi tưởng lại những ngày tháng kinh hoàng khi còn trẻ. Ảnh: Reuters


Lực lượng bán quân sự kể trên được thành lập bởi các chủ sở hữu đất với mục đích ban đầu nhằm chống lại những tay súng nổi dậy. Song, nhóm này không lâu sau đó tham gia hoạt động buôn lậu ma túy, bạo lực và hoành hành tại nhiều khu vực ở Colombia bất chấp thỏa thuận hòa bình ký năm 2006.

"Các bác sĩ do chúng chỉ định. Thị trưởng do chúng bổ nhiệm. Tôi đã phải giấu nỗi đau với các con mình. Sau 22 năm, cuối cùng tôi có thể công bố sự thật với nhà chức trách”, người phụ nữ 49 tuổi cho hay.

Theo một điều luật ban hành năm 2011, Chính phủ Colombia sẽ bồi thường cho những nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Song, Lina vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản đền bù nào dù đã được xác nhận là nạn nhân từng bị tấn công tình tục, tra tấn và phải chịu nhiều tổn thương tâm lý.

Người phụ nữ 49 tuổi cùng chồng có cuộc sống yên ổn sau những biến cố. Ảnh: Reuters


Trong năm 2018, Lina đã tham dự một buổi gặp mặt bí mật với các cựu thành viên lực lượng cực hữu “Heroes of the Montes de Maria”, trong đó có cả kẻ từng lạm dụng cô nhiều năm trước. Những người này đã cầu xin sự tha thứ từ Lina và các nạn nhân khác.

“Là phụ nữ, chúng tôi phải tha thứ vì không thể cứ sống mãi với nỗi tức giận ẩn sâu bên trong”, Lina nói.

Chờ công lý được thực thi

Trước cáo buộc của các nạn nhân, phát ngôn viên FARC đã từ chối bình luận, tuyên bố mọi trường hợp sẽ do JEP xem xét và giải quyết. Hồi tháng 8 vừa qua, ba tổ chức của nạn nhân bị lạm dụng tình dục đã đệ trình 2.000 hồ sơ lên JEP.

Patricia Linares, người đứng đầu JEP khẳng định, những trường hợp dính líu tới tội ác sẽ không thể chạy trốn công lý, nhưng có thể không phải ngồi tù nếu chứng minh được vô tội.

Theo Reuters, Trung tâm Ký ức lịch sử quốc gia Colombia ước tính có khoảng 15.687 người từng là nạn nhân của hành vi lạm dụng tình dục do các nhóm bán vũ trang cánh hữu và quân nổi dậy thực hiện. Các nhóm này thường sử dụng bạo lực tình dục như một biện pháp đe dọa hoặc trừng phạt, gây nỗi sợ hãi cho cộng đồng để áp đặt kiểm soát ở khu vực.

Các thành viên FARC bị cáo buộc tham gia các vụ cưỡng hiếp và tấn công tình dục nhằm vào nhiều phụ nữ. Ảnh minh họa: France24


Thỏa thuận hòa bình năm 2016 giữa Chính phủ Colombia và FARC bảo đảm những trường hợp phạm tội trong thời gian xảy ra xung đột giữa hai bên sẽ không phải ngồi tù nếu thừa nhận có tội và khai toàn bộ sự thật về những gì đã xảy ra. Thỏa thuận cũng sẽ cung cấp nơi ở tạm thời và mang lại thu nhập hằng tháng cho những trường hợp chấp thuận rời FARC.

Những điều khoản này của thỏa thuận đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân Colombia, buộc Quốc hội nước này sau đó phải thông qua biên bản chỉnh sửa thỏa thuận.

Về vấn đề này, Tổng thống Colombia Ivan Duque cam kết xem xét lại thỏa thuận, buộc các chỉ huy của FARC từng phạm tội phải thụ án tù. Ông Ivan Duque cũng tuyên bố, những trường hợp liên quan tới tội danh cưỡng hiếp sẽ không được hưởng ưu đãi đặc biệt nào.

Lina và nhiều phụ nữ khác từng là nạn nhân bị lạm dụng tình dục đang chờ đợi ngày công lý được thực thi. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ý định của Tổng thống Colombia đang đối mặt với nhiều thách thức vì phần lớn các đảng phái nước này đều ủng hộ thỏa thuận, trong khi Tòa Hiến pháp đã ra phán quyết cấm chỉnh sửa các điều khoản của thỏa thuận trong ba nhiệm kỳ Tổng thống.

Cựu Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, người đã ký thỏa thuận hòa bình với FARC hồi tháng 7 cho biết, phần lớn người dân Colombia muốn thỏa thuận được thực hiện để cuộc nội chiến “bước sang trang mới”.

Tổng thống đương nhiệm Ivan Duque tuyên bố không làm bất kỳ điều gì có thể khiến thỏa thuận này “đi chệch hướng” trong khi phát ngôn viên của Tổng thống nhận định, ông Duque sẽ tiếp tục gây áp lực để những kẻ phạm tội cưỡng hiếp không được hưởng ân xá.

Dù vậy, nhiều người dân Colombia vẫn lo ngại việc can thiệp vào thỏa thuận trong bối cảnh nhiều khu vực tại Colombia vẫn chịu sự chi phối của các nhóm vũ trang, trong đó có những tay súng FARC chống đối, các băng nhóm buôn lậu ma túy và phiến quân lực lượng giải phóng quốc gia Colombia (ELN) có thể nổi dậy “cầm súng trở lại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng nói tìm công lý của những người phụ nữ bị lạm dụng tình dục tại Colombia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.