Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấm dứt việc tùy tiện vứt rác cồng kềnh

Vũ Dung| 30/11/2021 06:02

(HNM) - Mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội có gần 7.000 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom, mang đi xử lý. Tuy nhiên, lẫn trong số đó vẫn còn một lượng lớn rác thải cồng kềnh bị người dân vứt bừa bãi ở vỉa hè, lòng đường, gây nhiều khó khăn cho công tác bảo đảm vệ sinh môi trường. Để giữ gìn mỹ quan đô thị, chấm dứt việc vứt rác cồng kềnh một cách tùy tiện, các đơn vị, địa phương cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn vi phạm.

Công nhân môi trường thu gom rác thải cồng kềnh trên địa bàn quận Thanh Xuân. Ảnh: Long Vân

Thói quen xấu...

Ghi nhận thực tế tại các tuyến phố trên địa bàn quận Đống Đa ngày 25, 26, 27-11 cho thấy, người dân vẫn vô tư vứt bàn ghế cũ hỏng, vật dụng cồng kềnh, cành cây khô, phế thải xây dựng… ra hè, đường. Tại số nhà 197 phố Nam Đồng, vỉa hè số 185 Đặng Tiến Đông... nhiều vật dụng như ghế da cũ, bàn ghế hỏng... bị vứt bỏ trên vỉa hè chật hẹp. Hình ảnh không đẹp này cũng dễ thấy ở phố Thái Thịnh với những bể cá hỏng, thiết bị vệ sinh cũ… được vứt chỏng chơ tại góc phố. Bà Nguyễn Thu Hà, người dân phố Thái Thịnh cho biết: "Chúng tôi đã nhận được thông báo là có điểm tập kết vật dụng cồng kềnh vào cuối tuần tại phố Hoàng Cầu, nhưng nhiều người vẫn cố tình không thực hiện".

Tương tự, tại quận Hai Bà Trưng, không khó để bắt gặp các hình ảnh gây mất mỹ quan đường phố. Mặc dù ở các địa điểm như số 171 Thanh Nhàn, số 874 dốc Minh Khai, gầm cầu Vĩnh Tuy... đều có các xe rác tại đây nhưng người dân vẫn tùy tiện vứt cả bộ bàn ghế sô pha, đệm cũ và đồ gỗ hỏng ngay bên cạnh.

Tình trạng trên cũng xảy ra ở nhiều nơi tại khu vực ngoại thành. Cụ thể, tại vỉa hè đoạn lô số 7 Cụm công nghiệp Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) đã trở thành nơi tập kết đồ gỗ hư hỏng, bìa các tông, các loại chất thải, gây mất mỹ quan đô thị.

Nói về nguyên nhân, ông Hoàng Văn, Trưởng phòng Điều hành sản xuất Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho rằng, rác thải cồng kềnh không thuộc danh mục thu gom rác thải thông thường. Các cá nhân, đơn vị muốn vận chuyển loại rác này phải thuê đơn vị xử lý; tuy nhiên, có rất ít cuộc gọi đến công ty để thuê vận chuyển. Thậm chí, URENCO đã có địa chỉ, thời gian tập kết hỗ trợ vận chuyển miễn phí nhưng người dân vẫn chưa tạo được thói quen này.

Rác thải cồng kềnh vứt bừa bãi tại Cụm công nghiệp Lai Xá, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức).

Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn vi phạm

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), hiện Sở Xây dựng đề xuất thành phố cho phép các quận, huyện, thị xã vận chuyển khối lượng rác thải sinh hoạt có kích thước lớn, cồng kềnh phát sinh trên địa bàn về Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây - huyện Ba Vì). UBND các quận chủ động bố trí địa điểm tiếp nhận rác cồng kềnh, chịu trách nhiệm về nguồn gốc rác, bảo đảm đúng chủng loại, đúng địa bàn, có kế hoạch vận chuyển về nhà máy này để xử lý theo phương pháp đốt.

Thực hiện yêu cầu trên, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang cho biết, UBND quận đã chỉ đạo Công ty URENCO - chi nhánh Đống Đa tuyên truyền phổ biến và thực hiện thu gom miễn phí vật dụng cồng kềnh cho nhân dân khi mang đến điểm tập kết ở các điểm được quận bố trí tại số 157 phố Chùa Láng và số 4 phố Hoàng Cầu. Công ty URENCO - chi nhánh Đống Đa chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển cho nhân dân vào các ngày cuối tuần. Bên cạnh đó, quận giao nhiệm vụ cho Công an quận phối hợp cùng UBND các phường tăng cường kiểm tra tại các điểm thường xuyên phát sinh rác thải cồng kềnh, trích xuất camera an ninh để tìm nguồn thải phát sinh, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, bố trí quy hoạch lại các điểm tập kết xe gom rác, tuyên truyền phổ biến đến nhân dân để giảm tối đa tình trạng này.

Tương tự, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Hồ Thị Na cho hay, UBND huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền đến nhân dân thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không vứt vật dụng cồng kềnh ra hè, đường. Về lâu dài, UBND huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các vi phạm. Về sự việc Báo Hànộimới nêu về tình trạng xả rác thải cồng kềnh tùy tiện tại Cụm công nghiệp Lai Xá, UBND huyện Hoài Đức đã yêu cầu UBND xã Kim Chung kiểm tra và tiến hành dọn dẹp sạch khu vực tồn đọng rác thải cồng kềnh, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, không để tái diễn vi phạm.

Nhằm giải quyết tình trạng tồn đọng rác thải cồng kềnh, ông Hoàng Văn, Trưởng phòng Điều hành sản xuất của URENCO thông tin, URENCO vẫn tiến hành việc thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh bằng cách vận chuyển về các điểm trung chuyển để chia nhỏ và xử lý như rác thải sinh hoạt hằng ngày, mặc dù chi phí nhân công, kỹ thuật bị đội lên nhiều. Vấn đề rác thải cồng kềnh từ nhiều năm nay vẫn là bài toán khó. Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, các cơ quan chức năng cần sớm thống nhất, có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, thu gom rác thải cồng kềnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm mỹ quan đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấm dứt việc tùy tiện vứt rác cồng kềnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.