Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để công trình nghiên cứu khoa học thành hàng hóa

Thu Hằng| 07/10/2022 07:13

(HNM) - Trong giới khoa học Việt Nam, câu chuyện đưa công trình nghiên cứu thành sản phẩm hàng hóa thành công chưa nhiều. Thực tế, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học vẫn bị cất ngăn kéo. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải có những chính sách kết nối, khơi thông...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Tân - người đứng giữa (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) hướng dẫn sinh viên cô đặc nước hoa quả tươi.

Còn rất nhiều gian nan

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Tân (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), có 2 cách phân loại các công trình nghiên cứu theo xuất phát điểm của nghiên cứu. Đó là nghiên cứu xuất phát từ suy nghĩ của nhà khoa học; nghiên cứu xuất phát từ thực tiễn và các vấn đề của doanh nghiệp. Bất kể nghiên cứu thuộc loại nào, khi đã có kết quả có thể ứng dụng sẽ dẫn đến nhu cầu cần đưa nó vào cuộc sống...

Là một trong những nơi thực hiện tốt việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, Giáo sư, Tiến sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, trong 10 năm qua, các đơn vị của Viện đã chuyển giao 120 sản phẩm, công nghệ cho các doanh nghiệp, địa phương và hiện đang có hơn 250 công nghệ có thể giới thiệu với doanh nghiệp. Mặc dù có rất nhiều cố gắng và đã đạt được một số kết quả ứng dụng nổi bật, song Viện vẫn chưa phát huy hết thế mạnh của mình trong công tác ứng dụng và thương mại hóa tài sản trí tuệ.

“Hiện tại, nhà khoa học chỉ có hai lựa chọn để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Một là chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và hai là tự khởi nghiệp. Đa số nhà khoa học chọn phương án chuyển giao công nghệ hoặc giao lại cho tổ chức chủ trì để chuyển giao, không chọn phương án tự khởi nghiệp. Nguyên nhân là các nhà khoa học thường đam mê nghiên cứu, nhưng không đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, không đủ tự tin để thực hiện”, Giáo sư, Tiến sĩ Châu Văn Minh chia sẻ.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Châu Văn Minh, doanh nghiệp trong nước khi đến làm việc với Viện thường chỉ quan tâm đến công nghệ đã hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào sản xuất, mà ít khi mua công nghệ quy mô phòng thí nghiệm để tiếp tục đầu tư phát triển, vì nhiều rủi ro. Với cơ sở vật chất như hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng như các đơn vị nghiên cứu khác khó có thể tạo ra công nghệ sẵn sàng ở quy mô sản xuất lớn để chuyển giao.

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Vũ Hà Văn (Đại học Yale, Mỹ) thông tin: “Ở Mỹ, phần lớn công nghệ thành công là nhà khoa học phải tự khởi nghiệp. Nếu có cơ hội chuyển giao cho doanh nghiệp, thì cũng phải tham gia rất sâu, theo sản phẩm cho đến lúc hoàn thiện mới thôi. Xác suất từ ý tưởng ra được sản phẩm thương mại không cao, nên nhiều khi không thành công là chuyện rất bình thường”.

Là nhà khoa học có những kết quả nghiên cứu được nhiều doanh nghiệp quan tâm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Tân cho rằng, muốn bán được công nghệ, nhà khoa học phải làm cho công nghệ của mình giải quyết được vấn đề của doanh nghiệp. Nếu sản phẩm công nghệ gốc chưa thuyết phục, thì nhà khoa học phải nghiên cứu tiếp cho đến khi nó giải quyết được. Khi doanh nghiệp thấy công nghệ này phù hợp, hoặc có thể giúp họ đưa ra sản phẩm mới, nhưng lại chưa có đủ tiền đầu tư, hoặc chưa có kênh phân phối sản phẩm…, thì nhà khoa học phải đồng hành với họ cùng giải quyết những vấn đề đó.

“Có một doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất hàng xuất khẩu thích công nghệ của tôi và tôi đã giúp họ làm hàng mẫu để gửi sang Nhật. Sau khi xem sản phẩm, bên Nhật đã đồng ý, nhưng để xây dựng một nhà máy mới, cần rất nhiều thứ khác... Trong lúc chờ, tôi vẫn giúp doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi khách Nhật của họ sang, tôi cũng có mặt để giải đáp các vấn đề khách hỏi về công nghệ và sản phẩm…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Tân nói.

Những kiến nghị thiết thực

Tại Việt Nam, các tổ chức trung gian làm cầu nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp chưa phát triển. Vì thế, muốn thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học phải tự mình mày mò tìm cách quảng bá, tiếp xúc…

Để các kết quả nghiên cứu có thể tiếp cận nhanh chóng hơn vào thị trường và tạo điều kiện cho các nhà khoa học triển khai ứng dụng và thương mại hóa kết quả khoa học và tài sản trí tuệ, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Tân, cần có các chương trình tập huấn, cung cấp kiến thức về kinh tế, kinh nghiệm thương mại hóa, tức là giúp nhà khoa học có cái nhìn của doanh nghiệp, hiểu hơn về nhu cầu của doanh nghiệp. Mặt khác cũng cần có các chương trình kết nối nhà khoa học với các doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp hiểu nhà khoa học, hiểu các công nghệ hiện có thể ứng dụng, rút ngắn con đường của hai bên.

Còn Giáo sư, Tiến sĩ Châu Văn Minh đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, điều chỉnh thống nhất các quy định, văn bản pháp lý liên quan đến thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; xây dựng chính sách khuyến khích và bảo vệ các nhà khoa học khi được phân công quản lý, điều hành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Giáo sư, Tiến sĩ Châu Văn Minh cũng cho rằng, cần có chính sách đầu tư các nhiệm vụ khoa học và công nghệ dài hạn gắn các nhà khoa học thực hiện đến sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh; xây dựng cơ chế thúc đẩy hoạt động kết nối viện, trường với doanh nghiệp, nhằm phát hiện vấn đề, tìm kiếm giải pháp, tạo công nghệ phù hợp với doanh nghiệp, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; có chính sách khuyến khích, ưu tiên mua thiết bị, công nghệ… là sản phẩm khoa học được tạo ra từ các nghiên cứu trong nước trong mua sắm công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để công trình nghiên cứu khoa học thành hàng hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.