Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu

Thu Hằng| 19/05/2023 07:30

(HNM) - Hà Nội là nơi có nhiều tiềm lực phát triển khoa học công nghệ, thể hiện qua việc nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này cũng như sản phẩm đầu ra của nghiên cứu khoa học, gồm số lượng đề tài công bố quốc tế, cao nhất cả nước. Phát huy thế mạnh và nhìn nhận những điểm còn tồn tại để khắc phục, chắc chắn trong thời gian tới, Chương trình số 07-CTr/TU sẽ được thành phố thực hiện thành công.

Thành phố Hà Nội tập trung hỗ trợ phát triển công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến để nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong ảnh: Đóng gói nấm ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần KMS Đầu tư sản xuất và thương mại (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Thẳng thắn nhìn nhận

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế khi triển khai Chương trình số 07-CTr/TU. Trong đó, theo Ban Chỉ đạo chương trình, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, nhiều đề án trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có tính mới, khó, cần sự tham gia góp ý rộng rãi, nhiều vòng nên ảnh hưởng đến tiến độ.

Ngoài ra, các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số mới được ban hành, một số khái niệm, chủ trương còn chưa thống nhất. Việc hướng dẫn triển khai của một số bộ, ngành còn bị động, chưa có lộ trình tổng thể. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa thực sự hiệu quả. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã còn thiếu. Điều đó ảnh hưởng lớn tới tiến độ, chất lượng công tác tham mưu, triển khai nhiệm vụ.

Thông tin thêm về điều này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho biết, hiện nay, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như giao thông, thủy lợi, điện, hệ thống xử lý môi trường của Hà Nội thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về vốn, quỹ đất và hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chưa phù hợp với thực tế, khiến người dân và doanh nghiệp không yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Quyết liệt, đồng bộ hơn nữa

Từ thực tiễn triển khai, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho rằng, cần đồng bộ hệ thống hạ tầng số, các phần mềm dùng chung trên toàn thành phố cũng như xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu lao động để hỗ trợ việc theo dõi và quản lý người lao động. Ngoài ra, cần tăng cường các văn bản hướng dẫn chuyên môn, quy định cụ thể về chỉ tiêu áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ hướng đến chính quyền điện tử, ISO điện tử, chính quyền số.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin, hiện nay, việc hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung vào khâu sản xuất, chưa chú trọng nhiều vào khâu sau thu hoạch để tạo ra các sản phẩm chế biến sâu có giá trị kinh tế cao. "Do đó, thành phố cần hỗ trợ phát triển công nghệ sau thu hoạch nhằm đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp", ông Ngô Tiến Hoàng đề xuất.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Đình Thắng cho biết, trong thời gian tới, ngoài việc bám sát nhiệm vụ thực hiện đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, Sở Công Thương sẽ triển khai thêm Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; xây dựng Đề án chiến lược phát triển công nghiệp địa phương để phù hợp với Chiến lược phát triển của thành phố và của vùng…

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, trong nửa đầu nhiệm kỳ, phần lớn thời gian dành cho việc xây dựng, ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch của các nhiệm vụ. Từ năm 2023, việc thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU sẽ tập trung thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch đã được UBND thành phố ban hành. Điều này đòi hỏi năng lực thực thi của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ và nguồn lực cho việc thực hiện. "Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU, Sở sẽ bám sát tinh thần chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và Ban Chỉ đạo chương trình để tham mưu về công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá việc triển khai thực hiện" - ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU, để tiếp tục triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra của chương trình, thời gian tới, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; chú trọng đẩy mạnh công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai chương trình từ thành phố tới cơ sở, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện…

Với những giải pháp đồng bộ, căn cơ, cùng với lộ trình triển khai cụ thể gắn với trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, tin tưởng rằng, Chương trình số 07-CTr/TU sẽ gặt hái được nhiều thành công, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Hôm nay, 19-5, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 07-CTr/TU, ngày 17-3-2021, về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Đây là một trong 10 chương trình công tác lớn được xác định trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ là dịp Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy và các cấp ủy Đảng đánh giá kết quả; chỉ ra những bài học kinh nghiệm, qua đó quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà chương trình đề ra trong nhiệm kỳ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.