Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết dứt điểm vấn nạn sim rác?

Việt Nga| 25/01/2014 08:12

(HNM) - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 202/2013 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số viễn thông, áp dụng từ ngày 6-2-2014.

Lộn xộn thị trường sim số di động. Ảnh: Trần Hải



Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ phải trả lệ phí phân bổ kho số viễn thông là 350.000 đồng/lần được cấp mã mạng, mã số viễn thông. Mức phí sử dụng kho số đối với thuê bao mạng cố định mặt đất là 300 đồng/số/năm (với các tỉnh, thành phố thuộc TƯ). Mức phí này dành cho các thuê bao di động mặt đất được chia theo số lượng thuê bao của các nhà mạng; cụ thể: 8 triệu thuê bao - phí là 1.000 đồng/số, từ trên 8 triệu đến 32 triệu thuê bao là 2.000 đồng/số, từ trên 32 đến 64 triệu thuê bao là 3.000 đồng/số, trên 64 triệu là 4.000 đồng/số.

Điểm đáng chú ý nhất trong thông tư chính là đưa ra mức thu phí sử dụng kho số với các thuê bao di động mặt đất. Bộ Tài chính đã đưa ra từng nấc phí thu cụ thể, song cũng đề ra lộ trình trong hai năm 2014-2015 sẽ áp dụng mức thu bằng 70% quy định đối với nhà mạng; từ năm 2016 bắt đầu áp dụng thu 100% như quy định. Như vậy, thay cho quy định đang áp dụng là 1.000 đồng/số/năm, các nhà mạng sẽ phải nộp phí kho số cao 1,5-2 lần so với hiện nay. Căn cứ theo quy định này, nhà mạng Viettel có 59,7 triệu thuê bao (theo báo cáo của Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014) sẽ phải nộp phí sử dụng kho số ở mức 3.000 đồng/số/năm; trong hai năm 2014-2015 do chỉ thu 70%, nên thực tế chỉ nộp 2.100 đồng/số/năm. Nhà mạng MobiFone với lượng thuê bao 50,6 triệu cũng sẽ phải nộp mức phí sử dụng kho số là 3.000 đồng/số/năm, tương tự như Viettel, MobiFone chỉ phải nộp 2.100 đồng/số/năm. Vinaphone có 27,8 triệu thuê bao sẽ phải nộp phí là 2.000 đồng/số/năm; trong thời gian đầu phải nộp là 1.400 đồng/số/năm.

Được biết, Vinaphone đang quản lý 56 triệu số, MobiFone đang quản lý 55 triệu số và với mức phí hiện nay 1.000 đồng/số/năm, các nhà mạng sẽ phải trả phí kho số tương ứng cho Nhà nước là 56 và 55 tỷ đồng/năm, chưa kể tiền phải trả sử dụng mã mạng, mã dịch vụ. Chưa có số liệu cụ thể của nhà mạng Viettel hiện nay trả phí là bao nhiêu, song thực tế là Viettel được cấp sử dụng nhiều đầu số hơn hai nhà mạng VNPT, như vậy số tiền nộp phí kho số sẽ lớn hơn. Với mức phí tăng từ 1,5 đến 2 lần áp dụng từ ngày 6-2-2014 (sẽ tăng 2-3 lần từ năm 2016), cả ba nhà mạng lớn sẽ phải nộp phí cho ngân sách số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Với hai nhà mạng nhỏ Vietnamobile và Gmobile, thông tin chính thức về số liệu thuê bao không được đề cập trong các báo cáo của Bộ Thông tin - Truyền thông. Được biết, trong năm 2013 Vietnamobile có 10 triệu thuê bao, Gmobile có 4 triệu thuê bao và nếu những con số này là chính xác thì Vietnamobile sẽ phải nộp phí sử dụng kho số hằng năm ở nấc 2.000 đồng/số (trước mắt nộp 1.400 đồng/số) và Gmobile sẽ phải nộp 1.000 đồng/số (700 đồng/số).

Trở lại với câu chuyện thời điểm Thông tư 202 có hiệu lực, các nhà mạng sẽ phải nộp phí sử dụng kho số cho Nhà nước nhiều hơn. Như đã ước tính ở trên, nhà mạng sẽ phải trả phí hằng năm cho Nhà nước lên tới cả trăm tỷ đồng và trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu thì việc tăng thêm chi phí (do phải nộp tăng các khoản phí nghĩa vụ) chắc chắn nhà mạng sẽ giảm lợi nhuận. Đến đây, câu hỏi đặt ra, nhà mạng sẽ phải có chính sách quản lý như thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động cho từng thuê bao của mình, hay nói một cách khác là phải giảm tối đa những thuê bao không phát sinh cước. Như vậy, có thể hy vọng DN viễn thông sẽ tự giải quyết dứt điểm nạn sim rác, gây phiền hà cho người dân như hiện nay. Được biết, cả ba nhà mạng lớn đã có chính sách thu hồi các sim đã phát hành nhưng hai năm chưa kích hoạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết dứt điểm vấn nạn sim rác?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.