Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp không đứng ngoài "cuộc chơi" 5G

Châu Anh| 15/09/2018 06:58

(HNM) - Dịch vụ 4G được các nhà mạng triển khai rộng khắp trên toàn quốc mới được 2 năm, song từ năm 2018, các tập đoàn công nghệ toàn cầu đã bắt tay với nhà mạng thử nghiệm và lên kế hoạch cho phát triển 5G. Để không bị đứng ngoài cuộc, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp công nghệ trong nước cũng đã lên kế hoạch cho việc triển khai dịch vụ này ở Việt Nam.


Hiện các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã bắt tay với những nhà mạng lớn tại các nước phát triển để thử nghiệm 5G. Trong đó phải kể đến các hãng Ericsson (Thụy Điển), ZTE (Trung Quốc), Qualcomm (Mỹ) đã công bố thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G với các nhà mạng viễn thông lớn hàng đầu thế giới như AT&T (Mỹ), ChinaMobile (Trung Quốc), NTT Docomo (Nhật Bản), SK Telecom (Hàn Quốc), Telstra (Australia), Vondafone (Anh). Việc tiến hành thử nghiệm 5G được các nhà mạng chọn ở dải băng tần từ 3,3GHz đến 5GHz cũng như công nghệ tần số cực cao (mnWave) ở tần số 28GHz và 39GHz.

Cục Tần số vô tuyến điện giới thiệu việc thử nghiệm 5G tại Việt Nam.


Tất nhiên, để có thể phối hợp với các nhà mạng trên toàn cầu tiến hành thử nghiệm 5G, các nhà sản xuất thiết bị mạng, chipset (hệ thống vi xử lý tích hợp), máy đầu cuối đã phải chuẩn bị cho kế hoạch này từ nhiều năm trước đó. Theo đại diện Samsung, hãng này đã bắt tay nghiên cứu các công nghệ 5G từ năm 2009. Đến ngày 15-8 vừa qua, Samsung đã ra mắt chip 5G thế hệ mới với tên gọi “Exynos Modem 5100” hỗ trợ không chỉ 5G mà còn hỗ trợ mạng 4G và 3G.

Trong cuộc họp giao ban quản lý nhà nước tháng 7 tổ chức đầu tháng 8-2018, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu đơn vị chức năng sớm thực hiện quy hoạch tần số để tiến hành thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bảo đảm Việt Nam không bị tụt hậu về công nghệ so với thế giới. Được biết, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) đang triển khai kế hoạch này. Từ phía các doanh nghiệp trong nước cũng đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cho việc phát triển 5G.

Tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông tổ chức trung tuần tháng 7 vừa qua, lãnh đạo Tổng công ty Viễn thông Viettel cho biết, đến thời điểm này Việt Nam có hạ tầng cáp quang mạnh phủ đến tận gia đình, xóm, xã. Không chỉ là nhà mạng triển khai 4G rộng khắp trên toàn quốc với trên 40.000 trạm thu phát sóng, Viettel còn muốn phát triển sớm 5G vào năm 2020. Được biết, ngoài cung cấp dịch vụ di động, Viettel còn sản xuất điện thoại và thiết bị mạng, do vậy, nhà mạng này cũng đã nghiên cứu và triển khai sản xuất thiết bị tích hợp công nghệ 5G. Tương tự, Tập đoàn VNPT cũng đã xây dựng đề án về 5G trong đó đã lên các phương án về công nghệ, băng tần cho 5G, đề xuất sẽ được định hướng triển khai theo hai giai đoạn chính: Giai đoạn thử nghiệm công nghệ và chuẩn bị hạ tầng 2019-2020; giai đoạn triển khai 2020-2025...

Các chuyên gia công nghệ cho rằng, việc tiên phong triển khai 5G sẽ tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh hơn, nhất là khi Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cùng đang kêu gọi xây dựng chính phủ số, kinh tế số. Các ngành công nghiệp hưởng lợi nhiều nhất từ 5G chính là những ngành có thể tận dụng tốc độ cao, độ trễ thấp, độ tin cậy cực cao của 5G nhằm tăng hiệu quả, cải thiện về chất lượng và sự an toàn hay tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp không đứng ngoài "cuộc chơi" 5G

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.