Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thay đổi đột phá trong tư duy

Việt Nga| 15/12/2018 08:10

(HNM) - Hệ sinh thái số Việt Nam đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) xác định gồm 5 nhóm sản phẩm, dịch vụ: Mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, trình duyệt, hệ điều hành và phần mềm phòng chống mã độc.

Thuyết trình về các giải pháp về hệ sinh thái số Việt Nam.



Xây dựng hệ sinh thái số của người Việt

Với quy mô dân số khoảng 95 triệu người, trong đó tỷ lệ sử dụng internet chiếm hơn 60%, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người dùng internet. Với trung bình gần 7 giờ/ngày sử dụng internet cho thấy, người Việt Nam đã dành thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng. Do vậy, việc phát triển hệ sinh thái số phục vụ người dân Việt Nam là hướng đi lâu dài, cần thiết. Đây được coi là động lực để xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam.

Làm rõ hơn về việc xây dựng hệ sinh thái số, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ TT-TT) cho biết, hệ sinh thái số Việt Nam được phát triển và cung cấp bởi doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động theo quy luật cung cầu của thị trường. Nhà nước sẽ tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam làm sản phẩm, dịch vụ của hệ sinh thái số được phát triển mạnh. Các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư, kiên trì phát triển sản phẩm đủ sức cạnh tranh. Trong đó, để phát triển mạng xã hội của người Việt Nam, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT-TT sẽ tạo môi trường công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, làm cầu nối hỗ trợ đầu tư thúc đẩy sản phẩm mạng xã hội của doanh nghiệp Việt Nam.

Việc phát triển trình duyệt sẽ được ưu tiên nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo đảm thông tin và người dùng dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng định hướng xây dựng công cụ tìm kiếm phát triển trên di động và có chính sách khuyến khích đầu tư. Tập trung phát triển hệ điều hành cho người Việt Nam dựa trên phần mềm nguồn mở Android được tùy biến theo nhu cầu.

Áp dụng cơ chế thử nghiệm


Tại tọa đàm nhân Ngày Internet Việt Nam 2018 do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để phát triển hệ sinh thái số trong nước trước hết phải tạo ra chính sách cho sự phát triển. Dẫn chứng cho quan điểm này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng nêu rõ, sự phát triển bùng nổ của công nghệ nói chung, internet nói riêng đã mang đến các mô hình kinh doanh mới, nhưng chúng ta lại đang lúng túng trong việc xây dựng “luật chơi”. Vụ kiện giữa VinaSun và Grab là một minh chứng. Đó không chỉ đơn giản là sự “xung đột” giữa một doanh nghiệp taxi truyền thống với một hãng taxi công nghệ hoạt động xuyên biên giới, mà về bản chất đó là sự va chạm của các mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ.

Cùng quan điểm này, ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng Giám đốc VNG dẫn số liệu dự báo cho biết, đến năm 2020 thế giới sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị kết nối internet, tương đương với mỗi người trên trái đất sẽ sở hữu tới 6 thiết bị kết nối khác nhau. Do vậy, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, các mô hình kinh doanh mới liên tục xuất hiện không chỉ tạo ra sức ép buộc doanh nghiệp phải đổi mới, mà tư duy quản lý, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý... cũng cần phải cập nhật, bắt kịp thực tế.

Đề cập rõ hơn về việc chậm thay đổi trong áp dụng chính sách quản lý ở lĩnh vực trung gian thanh toán, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc Nextech - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước đang áp dụng chính sách “bảo hộ ngược”. Vì hiện vẫn chưa có biện pháp quản lý và để một số trung gian thanh toán nước ngoài hoạt động không có giấy phép tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các trung gian thanh toán trong nước, muốn hoạt động phải trải qua quy trình cấp phép nghiêm ngặt của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp cho biết, nhiều lĩnh vực mới cần hành lang pháp lý để hoạt động như fintech (công nghệ tài chính - ngân hàng), trung gian thanh toán, chia sẻ... thì chúng ta lại đang thiếu. Ông Nguyễn Thế Tân kiến nghị, Chính phủ tạo cơ chế thử nghiệm sandbox (vùng thử nghiệm) cho doanh nghiệp triển khai thử nghiệm trong không gian, thời gian nhất định, rồi quản lý nhằm mục tiêu đưa ra chính sách nhanh hơn, thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Về việc xây dựng hệ sinh thái số, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch BKAV nhấn mạnh, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, nội lực doanh nghiệp là rất quan trọng. Bởi, sản phẩm, dịch vụ phải có chất lượng đủ tốt, cộng thêm khoảng 5-10% hỗ trợ từ Chính phủ thì sẽ thành công, chứ nếu sản phẩm không đủ tốt, có hỗ trợ cũng sẽ phản tác dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thay đổi đột phá trong tư duy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.