Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sắc đỏ ma mị của Siêu trăng máu - Trăng sói ở Bắc bán cầu

Theo Zing| 21/01/2019 18:17

Bộ ba Siêu trăng, Trăng máu, Trăng sói hiếm có xuất hiện cùng lúc trên bầu trời Bắc bán cầu khi Mặt trăng bị Trái đất che khuất và chuyển sang màu đỏ tuyệt đẹp.

30 giây Mặt trăng chuyển sang màu đỏ trong nguyệt thực toàn phần: Loạt sự kiện thiên văn bất thường cùng xuất hiện tối 20-1 đã khiến Mặt trăng bị che khuất hoàn toàn và dần chuyển sang ánh mờ đỏ trong hiện tượng Siêu trăng máu.


Bóng tối của Trái đất gần như che khuất hoàn toàn bề mặt Mặt trăng tại Miami, Florida, Mỹ. Những người yêu thiên văn đã được chiêm ngưỡng "siêu Trăng máu" hiếm hoi khi vệ tinh tự nhiên của Trái đất chuyển sang màu đỏ tuyệt đẹp. Ảnh: Getty.


Nguyệt thực diễn ra sau "Monumento a la Carta Magna y Las Cuatro Regiones Argentinas" ở Buenos Aires, Argentina, ngày 21-1. Hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra duy nhất trong năm nay thu hút nhiều sự chú ý. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, hiện tượng này có thể quan sát được ở toàn bộ Bắc và Nam Mỹ. Toàn bộ nguyệt thực cũng có thể nhìn thấy được trên Đại Tây Dương đến phía tây và bắc châu Âu. Ảnh: AP.



Mặt trăng ở gần Trái đất hơn bình thường nên trông to và sáng hơn. Siêu trăng xảy ra khi Mặt trăng ở gần Trái đất nhất trong quỹ đạo của nó. Nguyệt thực toàn phần khiến Mặt trăng chuyển sang sắc đỏ. Vì vậy, hiện tượng lần này được gọi là "Siêu trăng máu". Ảnh: REX/Shutterstock.


Mọi người nhìn Siêu trăng mọc lên sau đường chân trời của trung tâm thành phố từ Công viên Kenneth Hahn ở Los Angeles, Mỹ. Các nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới đã hướng máy ảnh của họ lên trời để ghi lại sự kiện hiếm có này. Ảnh: AP.


Trăng mọc trên hồ chứa Rosarito gần Oropesa, tỉnh Toledo, Tây Ban Nha. Nguyệt thực lần này còn được gọi là siêu Trăng máu - Trăng sói vì rơi vào đêm trăng tròn đầu tiên của năm. Trăng tròn tháng 1 được người Mỹ bản địa gọi là Trăng sói bởi nó xảy ra vào thời điểm những đàn sói đói mồi tru lên bên ngoài lều của họ. Ảnh: Getty.


Trăng tròn mọc sau Nhà thờ Hồi giáo Kucuk và Ulu Mosques, ở quận Palu của Elazig, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là Siêu trăng đầu tiên trong ba Siêu trăng của năm 2019. Siêu trăng lần này cách Trái đất khoảng 357.000 km. Siêu trăng sẽ tiến gần hơn vào ngày 19-2 và ở khoảng cách xa hơn trong ngày 20-3. Ảnh: Getty.


Siêu trăng máu - Trăng sói mọc đằng sau Trung tâm Thương mại Một thế giới ở thành phố New York, Mỹ. Mặt trăng sẽ còn tiếp tục khiến nhân loại bị mê hoặc trong thời gian tới. Trung Quốc gần đây đã trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công tàu vũ trụ xuống vùng tối của Mặt trăng. Ảnh: Getty.


Mặt trăng dần bị che khuất phía sau Tháp CN ở Toronto, Canada. Hiện tượng nguyệt thực kéo dài hơn 3 giờ. Năm 2019 cũng đánh dấu kỷ niệm 50 năm cuộc đổ bộ lịch sử xuống Mặt trăng của tàu Apollo 11. Tháng 12-2018, một tờ giấy ghi chú du hành đến bề mặt Mặt trăng cùng các phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin của Apollo 11 đã được bán đấu giá ở New York với giá 62.500 USD. Ảnh: AP.


Siêu trăng máu - Trăng sói bắt đầu ở Miami, Florida với hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Hàng nghìn người ở Mỹ và một phần châu Âu đã bất chấp thời tiết giá lạnh để theo dõi sự kiện thiên văn hiếm có này. Ảnh: Getty.


Siêu trăng máu bên trên Trung tâm Thương mại Một thế giới ở Manhattan, New York, Mỹ. Tại New York, các nhóm nhiếp ảnh gia đã bất chấp nhiệt độ dưới 0 để chụp lại nguyệt thực trên đường chân trời nổi tiếng của thành phố. Ảnh: Fox News.


Hình ảnh Siêu trăng máu - Trăng sói trên bầu trời Florida, Mỹ, được phi hành gia Buzz Aldrin chia sẻ trên Twitter. Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi toàn bộ Mặt trăng đi vào bóng tối Trái đất. Theo giải thích của NASA, khi ánh sáng Mặt trời xuyên qua bầu khí quyển Trái đất, các phân tử trong đó tán xạ ánh sáng xanh, tạo ra bầu trời màu xanh lam. Điều này để lại ánh sáng đỏ khúc xạ trong bóng của Trái đất. Ánh sáng đỏ này có thể được nhìn thấy trên bề mặt Mặt trăng khi nó đi vào bóng của Trái đất. Ảnh: Twitter.


Siêu trăng máu - Trăng sói trên bầu trời thành phố Manhattan, New York, Mỹ. Đây là Trăng máu cuối cùng trong hai năm. Không giống nhật thực, hiện tượng nguyệt thực có thể quan sát được bằng mắt thường. Ảnh: Reuters.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sắc đỏ ma mị của Siêu trăng máu - Trăng sói ở Bắc bán cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.