Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh

Khánh Vũ| 22/01/2019 08:08

(HNM) - Ngày 19-1, sau một ngày được phóng lên vũ trụ, vệ tinh MicroDragon do các nhà khoa học, các kỹ sư người Việt thiết kế, chế tạo, đã phát những tín hiệu đầu tiên về trái đất.

Các thành viên dự án tại trạm mặt đất ở Đại học Tokyo sau lần thu tín hiệu đầu tiên của vệ tinh MicroDragon.


Tiết kiệm nhiều năm nghiên cứu

Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam Phạm Anh Tuấn cho biết, vệ tinh MicroDragon là sản phẩm được Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ “Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm 1 vệ tinh Micro (khối lượng khoảng 50kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản”. MicroDragon được phát triển bởi 36 học viên là cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Các học viên này theo học tại 5 trường đại học của Nhật Bản gồm: Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Học viện Công nghệ Kyushu với sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia từ năm 2013-2017.

Do sản xuất vệ tinh là một lĩnh vực vẫn còn rất mới tại Việt Nam nên hiện vẫn chưa có cơ sở đào tạo kỹ sư sản xuất vệ tinh. Do vậy, để có được một đội ngũ kỹ sư giỏi về chuyên môn, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã cử nhiều đoàn công tác sang Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm. Việc nước này đang tích cực phát triển lớp vệ tinh tương tự như MicroDragon đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể tiếp nhận chuyển giao các kiến thức tiên tiến về công nghệ sản xuất vệ tinh. Nhờ đó, Việt Nam có thể tiết kiệm được rất nhiều năm nghiên cứu.

Vào cuối năm 2013, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam từng phóng thành công sản phẩm đầu tay là một vệ tinh siêu nhỏ có tên gọi PicoDragon. PicoDragon được tạo ra với mục đích chụp ảnh vệ tinh và đo đạc thông số môi trường vũ trụ. Sau 3 tháng hoạt động, vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên do Việt Nam chế tạo đã hoàn thành nhiệm vụ, đánh dấu thành công bước đầu trong lộ trình phát triển vệ tinh của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Còn với MicroDragon, các thiết bị viễn thám trên vệ tinh này có thể chụp hình ảnh từ không gian, từ đó theo dõi được chất lượng nước biển ven bờ. MicroDragon là vệ tinh có kích thước 50x50x50cm, nặng 50kg và hoạt động ở quỹ đạo 500km. Với thời gian hoạt động dự kiến từ 2 đến 5 năm, MicroDragon sẽ sử dụng nguồn năng lượng được cung cấp hoàn toàn bởi pin mặt trời.

Sau khi phát những tín hiệu đầu tiên, trong khoảng 1-2 tuần, MicroDragon sẽ vận hành ổn định và tiến hành chụp những bức ảnh đầu tiên. Vệ tinh MicroDragon có thể định vị nguồn thủy sản, cung cấp thông tin về những động vật, phù du đang sinh sống tại vùng biển được quan sát để phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.

Tiếp tục nghiên cứu, phóng vệ tinh mới

Theo ông Phạm Anh Tuấn, việc phát triển công nghệ vệ tinh đem lại nhiều ứng dụng thiết thực. Các bức ảnh do vệ tinh chụp được sẽ giúp giảm thiệt hại do thiên tai bằng cách đưa ra các cảnh báo chính xác về bão, lũ, ngập lụt, xác định các vệt dầu loang, các nguồn gây ô nhiễm trên biển, kiểm soát hoạt động của tàu thuyền. Hình ảnh vệ tinh cũng cho phép phát hiện nhanh các tàu thuyền lạ xuất hiện gần và trên vùng biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trước kia, khi không thể tự chụp được các hình ảnh từ vũ trụ, Việt Nam thường phải mua hoặc xin ảnh của nước ngoài. Hiện nay chỉ trong vòng 6-12 tiếng, hình ảnh có thể được gửi về từ vệ tinh theo yêu cầu. Việc có vệ tinh quan sát trái đất của riêng mình cũng là điều kiện để Việt Nam tăng cường bảo mật thông tin. Ngoài ra, việc chế tạo vệ tinh tại Việt Nam cũng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghệ khác như vật liệu, cơ điện tử, tự động hóa...

Lãnh đạo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng cho biết, vào đầu năm 2020, trung tâm sẽ tiếp tục phóng lên không gian vệ tinh thứ 3 với tên gọi NanoDragon. Nhiệm vụ của vệ tinh này là tiến hành nhận dạng tự động tàu thủy thông qua hệ thống nhận diện tự động AIS (Automatically Identification System). Để làm được điều này, NanoDragon được tích hợp một bộ cảm biến giúp thu nhận tín hiệu của các phương tiện đang đi lại trên biển, qua đó, người điều khiển biết được tình hình các phương tiện đang di chuyển trên biển theo thời gian thực.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đang phát triển một lớp vệ tinh khác với tên LOTUSat. Lớp vệ tinh này sẽ gồm 2 vệ tinh là LOTUSat-1 và LOTUSat-2. Nếu như PicoDragon, MicroDragon và NanoDragon đều sử dụng camera quang học và có nhược điểm là không chụp được vào buổi tối cũng như trong điều kiện thời tiết có mây mù, thì LOTUSat dùng công nghệ radar. Như vậy, vệ tinh có thể chụp được ảnh cả ban ngày, ban đêm và trong mọi điều kiện thời tiết. Việt Nam nằm trong khu vực có lượng mây bao phủ lớn. Do đó, việc kết hợp giữa ống kính quang học của nhóm vệ tinh trên và công nghệ radar của LOTUSat sẽ giúp mang lại nhiều thông tin chính xác hơn. Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định: Vệ tinh LOTUSat-2 sẽ được lắp ráp, thiết kế hoàn toàn tại Việt Nam và phóng lên vào năm 2022, chính thức đánh dấu mốc Việt Nam làm chủ hoàn toàn công nghệ chế tạo vệ tinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.