Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ

Kim Nhuệ| 26/02/2019 07:30

(HNM) - Ngoài tác động của tự nhiên, biến động lòng dẫn sông Hồng còn do chính hoạt động sản xuất của con người gây ra. Để giảm tác động của việc hạ thấp lòng dẫn sông Hồng, các tỉnh, thành phố và Bộ NN&PTNT đã triển khai và đề xuất nhiều giải pháp có tính khẩn cấp và lâu dài.

Để bảo đảm nguồn nước sản xuất vụ xuân, TP Hà Nội đã đầu tư gần 15 tỷ đồng xây dựng Trạm bơm dã chiến Phù Sa.


Nhận diện rõ nguyên nhân...


Theo GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, có nhiều nguyên nhân làm biến động lòng dẫn sông Hồng, trong đó có hai yếu tố tác động lớn nhất là phát triển hệ thống hồ chứa thượng nguồn và các hoạt động khai thác cát với phạm vi và khối lượng ngày càng gia tăng trên toàn hệ thống sông, đặc biệt là vùng hạ du... Nói cách khác, việc phát triển hồ chứa ở thượng nguồn đã giữ lại phần lớn lượng bùn cát về hạ du; trong khi đó, hoạt động khai thác cát quá mức đã khiến đáy sông ngày càng hạ thấp… Đồng tình quan điểm trên, ông Hoàng Trọng Hồng, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, việc hạ thấp lòng dẫn sông Hồng còn do việc điều tiết của các hồ chứa thượng nguồn: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà…

Theo kết quả điều tra, khảo sát của Tổng cục Thủy lợi, việc mất cân bằng giữa khối lượng bùn cát về hạ du và khối lượng khai thác cát là nguyên nhân gây ra tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng. Cụ thể, tổng lượng bùn cát của 3 sông: Đà, Lô, Thao về hạ du sông Hồng tại thị xã Sơn Tây liên tục suy giảm: Giai đoạn 1997-2000 là 56,44 triệu mét khối/năm; giai đoạn 2001-2005 là 38,82 triệu mét khối; giai đoạn 2006-2010 là 21,9 triệu mét khối; giai đoạn 2011-2015 là 8,41 triệu mét khối và dự kiến giai đoạn 2016-2020 là 8,41 triệu mét khối. Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng lớn, chưa phát triển được vật liệu thay thế nên khối lượng cát bị khai thác ngày càng lớn. Tính riêng khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, trung bình mỗi năm giai đoạn 1997-2000 đã khai thác 7,92 triệu mét khối cát; giai đoạn 2001-2005 là 16,67 triệu mét khối; giai đoạn 2006-2010 là 29,61 triệu mét khối; giai đoạn 2011-2015 là 34,78 triệu mét khối và dự kiến giai đoạn 2016-2020 là 37,8 triệu mét khối...

Nâng dòng, giữ nước cho sông

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, TP Hà Nội đã triển khai hàng loạt giải pháp: Chuyển đổi diện tích khó lấy nước sang cây trồng cạn; vận động nhân dân thay đổi tập quán và sử dụng phương tiện cơ giới trong làm đất, gieo cấy; đồng thời, xây dựng các trạm bơm: Hồng Vân, Đan Hoài, Thụy Phú II, dã chiến Phù Sa, Thanh Điềm, Ấp Bắc… lấy nước ở mực nước thấp, không phụ thuộc dòng chảy bổ sung của hồ thủy điện. “Để phục vụ sản xuất nông nghiệp, “làm sống lại” các dòng sông trong lưu vực Nhuệ - Đáy, TP Hà Nội tiếp tục đầu tư xây dựng Trạm bơm Thanh Điềm, Phù Sa, Liên Mạc, hệ thống dẫn nước sông Đà, tiếp nguồn cho sông Tích và sông Đáy…, dự kiến kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng” - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết.

Để giảm tốc độ hạ thấp mực nước sông Hồng, ông Chu Phú Mỹ cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, giảm dần quy mô khai thác cát ở mức tương đương với tổng lượng cát về hạ du hằng năm… Bên cạnh đó, cần có giải pháp vận hành tối ưu hồ chứa thượng nguồn trong mùa kiệt nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông, bảo đảm hoạt động công trình hạ tầng ven sông… Theo GS.TSKH Phạm Hồng Giang: Giải pháp đơn giản nhất là đắp bù để nâng đáy sông bằng cao trình cũ ở một số vị trí cần thiết như cống Long Tửu trên sông Đuống; Xuân Quan, Liên Mạc, Cẩm Đình trên sông Hồng… Còn ông Hoàng Trọng Hồng đề xuất giải pháp là đắp đập ngầm, đập vĩnh cửu để nâng mực nước sông cho các công trình lấy nước…

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho biết đã tham mưu Bộ NN&PTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát các công trình lấy nước, xác định cụ thể các trạm bơm dã chiến cần xây dựng khẩn cấp, các trạm bơm lấy nước kiên cố thay thế công trình lấy nước không hiệu quả khi mực nước sông xuống thấp. Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương đề xuất cơ chế phối hợp đầu tư từ nguồn vốn do tập đoàn quản lý để xây dựng các công trình lấy nước có thể vận hành không phụ thuộc dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.

Các tỉnh, thành phố chủ động sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư khẩn cấp các trạm bơm dã chiến, có kế hoạch huy động kinh phí đầu tư các công trình lấy nước kiên cố theo ý kiến của Bộ NN&PTNT thông qua kết quả rà soát hiện trạng công trình lấy nước. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT đề xuất kinh phí để thực hiện điều tra, đo đạc lòng dẫn hệ thống sông Hồng - Thái Bình. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể sử dụng hiệu quả nguồn nước trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình đáp ứng nhu cầu dùng nước hạ du và bảo đảm hiệu quả phát điện, bảo vệ môi trường…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.