Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về chất thải rắn

Minh Phú| 08/05/2019 16:45

(HNMO) - Ngày 8-5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 2 hội thảo về “Quản lý nhà nước về chất thải rắn” và

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Mai


Báo cáo tại hội thảo “Quản lý nhà nước về chất thải rắn”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, Luật Bảo vệ môi trường quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện hoạt động quản lý chất thải nói chung. Các bộ: Xây dựng, Y tế, Giao thông - Vận tải được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong phạm vi, lĩnh vực ngành quản lý. Trách nhiệm cụ thể của từng bộ được quy định rõ trong các văn bản pháp luật.

Tuy nhiên, các văn bản dưới luật có sự phân đoạn và chưa rõ ràng trong phân công chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về chất thải rắn; chưa quy định, phân luồng quản lý chất thải rắn một cách thống nhất; giao trách nhiệm cho nhiều bộ, ngành khác nhau hướng dẫn thực hiện...

Mặt khác, theo quy định hiện nay, Sở Xây dựng được giao tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao... trong đó, bao gồm quản lý chất thải rắn thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc quản lý chất thải rắn nói chung nên được chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách nhằm bảo đảm tính thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia cùng phân tích, đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn như: Rà soát các văn bản; các cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư Dự án xử lý chất thải rắn; quy hoạch quản lý chất thải rắn; định mức, đơn giá thu gom xử lý chất thải rắn; kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn; đề xuất bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật để thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn trong thời gian tới.

Tại hội thảo “Mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt”, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, mỗi năm cả nước phát sinh lượng chất thải sinh hoạt khoảng 25,5 triệu tấn/năm. Hiện nay, 70% chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp, trong đó nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí... ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.

Nhiều ý kiến bàn về cơ chế chính sách liên quan đến ưu đãi đầu tư dự án xử lý chất thải rắn; quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp liên tỉnh hoặc cấp vùng; định mức, đơn giá thu gom, xử lý chất thải rắn...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị Tổng cục Môi trường tiếp thu, tổng hợp ý kiến và khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nội dung trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến chức năng quản lý nhà nước về chất thải rắn. Trong đó, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn; nghiên cứu, bổ sung các dự án: Luật sửa đổi, Luật Bảo vệ môi trường về quản lý chất thải rắn, sau đó, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng đề nghị Tổng cục Môi trường và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp, nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước để thuê tư vấn quốc tế lập quy hoạch bảo vệ môi trường và quá trình tổ chức thực hiện; trong đó có nội dung về quy hoạch về quản lý chất thải rắn, bảo đảm xây dựng quy hoạch chất lượng, đạt yêu cầu, chuẩn mực quốc tế; các bộ liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường; các địa phương cần thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3-2-2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về chất thải rắn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.