Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục tình trạng thiếu điểm chuyển tải rác thải: Yêu cầu bức thiết

Bài, ảnh: Kim Vũ| 01/06/2019 08:26

(HNM) - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội thiếu trầm trọng điểm tập kết, chuyển tải rác thải sinh hoạt, dẫn đến tình trạng để xe rác ở vỉa hè, lòng đường, khu vực nhà dân... gây mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng tới giao thông, mỹ quan đô thị.

Tình trạng rác thải tập kết ở vỉa hè, lòng đường gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Ảnh: Thái Hiền


Xe rác tập kết ở... lòng đường, vỉa hè

Khảo sát thực tế trên địa bàn Hà Nội cho thấy, do không có điểm tập kết theo quy hoạch nên hầu hết các xe rác sau khi thu gom về được để ngay dưới lòng, lề đường các tuyến phố, gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông. Cụ thể, tại đường Trần Phú, Quang Trung, Tô Hiệu (quận Hà Đông), khoảng 800m lại có 1 điểm tập kết rác. Tại lối rẽ vào phố An Hòa, phường Mộ Lao hay trước lối rẽ vào chung cư An Lạc, 368B Quang Trung thường xuyên có gần chục xe chở rác được chất đầy, xếp thành hai hàng, nước rỉ rác chảy lênh láng xuống lòng đường.

Tương tự, trước cổng chợ Long Biên (quận Ba Đình), hàng chục xe rác tập kết ở đây vào giờ tan tầm khiến giao thông khu vực luôn bị ách tắc. Tại quận Ba Đình, đa số điểm tập kết rác được bố trí dưới lòng đường, thậm chí sát cổng trường học, như Trường Trung học cơ sở Phan Đình Phùng, Trường Tiểu học Việt Nam - Cuba. Tại quận Nam Từ Liêm, xe chở rác thường xuyên tập kết trước cửa chợ Cầu Diễn, thậm chí cả trước các cửa hàng bày bán đồ ăn, uống. Dọc đường Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm), ngã ba Nguyễn Như Đổ - Trần Quý Cáp (quận Đống Đa), đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy)... hầu hết các điểm tập kết rác đều nằm trên vỉa hè, lòng đường. Đáng nói, các điểm tập kết này đều trong tình trạng "3 không": Không có hệ thống thu nước rác hay hệ thống xử lý; không tường rào và không có mái che.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 6.500-6.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Để thu gom và xử lý khối lượng rác đang ngày càng gia tăng trên địa bàn thành phố, Hà Nội cần 5 trạm trung chuyển và ít nhất mỗi phường cần 1 điểm chuyển tải rác. Tuy nhiên, thực tế thành phố hiện mới có 2 trạm trung chuyển là trạm ở Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), trạm ở huyện Mê Linh; 3 điểm chuyển tải: Điểm ở Lâm Du (quận Long Biên); điểm ở Vân Đồn (quận Hai Bà Trưng) đã hoạt động và khu Ao Bút (quận Thanh Xuân) đang chuẩn bị thí điểm.

Số lượng điểm chuyển tải, trung chuyển rác như trên rõ ràng không đủ đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến

Lý giải về việc thiếu điểm chuyển tải rác thải, đại diện các quận cho biết, nguyên nhân chính là thiếu quỹ đất hoặc tìm được vị trí nhưng chưa phù hợp về hạ tầng cơ sở. Đơn cử, quận Ba Đình có 106 điểm cẩu rác hoạt động dưới lòng đường nhưng do thiếu quỹ đất nên quận đã báo cáo thành phố về việc không thể xây điểm chuyển tải. Tương tự, ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho biết, quận có 56 điểm tập kết rác thải nhưng không có điểm chuyển tải nào. UBND quận đã đề xuất xây dựng các điểm chuyển tải rác thải trên địa bàn quận, trước hết, sẽ thí điểm tại một phường có đông dân cư nhằm xóa bỏ những điểm tập kết rác hở.

Xe chở rác tập kết trước đường bờ sông phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy).


Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng, ngày 15-12-2016, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội có Công văn số 11981/VP-ĐT yêu cầu UBND các quận đầu tư xây dựng các điểm chuyển tải rác trên địa bàn. Trước đó, ngày 25-11-2016, Sở Xây dựng đã nhận được văn bản của 11/12 quận về kết quả đề xuất địa điểm chuyển tải rác thải. Trong đó, nêu rõ việc lựa chọn đề xuất địa điểm gặp nhiều khó khăn do quỹ đất hạn chế, vướng các quy hoạch tại quận Tây Hồ và Thanh Xuân; quận Ba Đình, Nam Từ Liêm không bố trí được địa điểm; quận Đống Đa đề xuất bố trí địa điểm ngoài địa bàn quận…

Trước những khó khăn này, Sở Xây dựng đã chủ động rà soát, yêu cầu UBND các quận nghiên cứu, bố trí các điểm chuyển tải, trung chuyển rác theo chủ trương tăng cường cơ giới hóa; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành thành phố thực hiện đôn đốc tại các buổi kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất.

Về vấn đề này, trong năm 2018, được sự chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội, Công ty URENCO đã đưa vào thử nghiệm một số điểm chuyển tải rác, trong đó có điểm có công suất 300 tấn/ngày đêm tại Lâm Du (quận Long Biên), diện tích 200m2, thiết kế hiện đại, khép kín, xử lý mùi, tiếng ồn, nước rác….

Với mật độ dân cư đông, các quận trung tâm của Hà Nội đang rất cần những giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề thiếu điểm chuyển tải rác. Do vậy, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các quận tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các vị trí xây dựng điểm chuyển tải trên địa bàn; kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa và đặc biệt, tăng cường tuyên truyền đến nhân dân nhằm đạt được sự đồng thuận. Bên cạnh đó, các quận cần nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến, thống nhất bảo đảm các tiêu chuẩn hiện hành về môi trường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tình trạng thiếu điểm chuyển tải rác thải: Yêu cầu bức thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.