Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý chất thải rắn xây dựng: Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án tái chế

Dạ Khánh| 04/06/2019 07:46

(HNM) - Trước thực trạng phế thải xây dựng đổ tràn lan ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố, bên cạnh việc yêu cầu UBND các cấp tăng cường công tác quản lý, giám sát, thành phố Hà Nội đã triển khai các dự án tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng.

Tái chế là giải pháp phù hợp để xử lý nguồn chất thải rắn xây dựng ngày càng gia tăng. Ảnh: Bá Hoạt


Địa phương chưa quyết liệt

Theo ước tính, hiện trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 2.500-3.000 tấn/ngày chất thải rắn xây dựng. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đã hướng dẫn các địa phương về các địa điểm tiếp nhận, xử lý. Trong đó, có 2 địa điểm để chôn lấp là bãi Nguyên Khê (huyện Đông Anh), bãi Dương Liễu (huyện Hoài Đức) và 1 địa điểm để thực hiện tái chế (nghiền) tại vị trí chân cầu Thanh Trì (quận Hoàng Mai).

Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn xây dựng còn thấp. Cụ thể, từ khi đi vào hoạt động tháng 11-2017 đến nay, trạm trung chuyển, tái chế nghiền tại vị trí chân cầu Thanh Trì mới tiếp nhận, xử lý được khoảng 20.000 tấn chất thải rắn xây dựng, chủ yếu đến từ các công trình trọng điểm: Vành đai 2, Vành đai 3. Trong khi phế thải phát sinh từ hoạt động cải tạo, xây dựng của các hộ gia đình đã được đưa về các điểm tiếp nhận, song chưa nhiều.

Đánh giá của Sở Xây dựng cho thấy, để xảy ra tình trạng trên là do UBND các quận, huyện, thị xã vẫn chưa vào cuộc quyết liệt trong công tác quản lý chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn theo phân cấp. Nhiều chủ đầu tư công trình xây dựng còn chưa nắm rõ các quy định, chưa chủ động thực hiện xử lý chất thải rắn của công trình tại các địa điểm nghiền, tái chế theo quy định.

Đáng chú ý, theo Sở Xây dựng, UBND các cấp chưa kiểm soát chặt khối lượng chất thải rắn xây dựng tại địa bàn, nhất là các công trình nhỏ lẻ, hộ gia đình, dẫn đến việc đổ trộm phế thải còn phổ biến. Đặc biệt, việc phát hiện và xử lý vi phạm theo Nghị định 155/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường còn chưa triệt để, tỷ lệ xử phạt thấp.

Tập trung giải quyết các khó khăn

Hiện nay, ngoài trạm trung chuyển tái chế nghiền tại vị trí chân cầu Thanh Trì đã đi vào hoạt động, việc thực hiện tại các vị trí được nghiên cứu, đề xuất khác còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng - Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, ngoài khó khăn trong thủ tục xác định và bàn giao mốc giới, cho thuê đất, thực hiện các thủ tục về môi trường, đê điều; thì việc tuyên truyền về công nghệ, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng, sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chưa quyết liệt, dẫn đến còn sự phản ứng từ phía người dân khu vực dự án.

Điển hình như tại vị trí Yên Mỹ (huyện Thanh Trì), ông Đỗ Văn Toan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu (chủ đầu tư) cho biết, do hiểu “chất thải rắn bao gồm cả rác hữu cơ và vô cơ", lo ngại về vệ sinh môi trường, nên không ít người dân không đồng tình. Dù trước đó, đơn vị đã có văn bản cam kết với UBND huyện Thanh Trì, UBND xã Yên Mỹ và nhân dân khu vực chỉ tiếp nhận, xử lý, tái chế vật liệu xây dựng như đá, bê tông, gạch, ngói...

Về việc này, từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Xây dựng đã liên tục có các văn bản đôn đốc UBND các quận, huyện; chủ đầu tư; cũng như thường xuyên báo cáo UBND thành phố quá trình triển khai các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến để tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng. Cụ thể, ngày 14-3-2019, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành Công văn số 2050/SXD-HT đề nghị các địa phương tăng cường quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn theo phân cấp. Đồng thời đôn đốc các đơn vị, nhà đầu tư đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương triển khai các dự án tái chế khẩn trương thực hiện theo các chỉ đạo của UBND thành phố; hướng dẫn đơn vị giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền...

Tại cuộc họp về tái chế sử dụng chất thải rắn mới đây (cuối tháng 5-2019), UBND thành phố đã chỉ đạo: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai khẩn trương xác định ranh giới, mặt bằng khu đất 6,5ha tại nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 trên cao, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục thuê đất hằng năm trong thời gian thí điểm lắp đặt trạm trung chuyển, thiết bị nghiền, tái chế. Chấp thuận đề xuất chuyển giao dự án khu xử lý chất thải rắn xây dựng tại xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh) từ giải pháp xử lý chôn lấp sang áp dụng công nghệ tái chế nghiền. Thành phố cũng chỉ đạo nghiên cứu các khu đất tại các vị trí bùng binh quốc lộ 1A với đường 5A (quốc lộ 5 cũ), cao tốc Láng - Hòa Lạc, diện tích khu đất tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) để làm trạm trung chuyển tạm thời, đặt thiết bị nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng.

Cùng với việc triển khai các dự án, theo ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, để quản lý hiệu quả chất thải rắn xây dựng, vai trò của các địa phương là rất quan trọng. Thực hiện phân cấp quản lý, các địa phương cần quyết liệt kiểm soát chặt từ nguồn thải; yêu cầu các chủ nguồn thải đưa chất thải rắn xây dựng đến các địa điểm xử lý, tái chế...

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo đề án của chủ đầu tư, chất thải rắn xây dựng sau tái chế nghiền được sử dụng để san nền, làm vật tư tái chế vật liệu xây dựng mới như đóng gạch không nung... Tuy nhiên, hiện khối lượng chất thải rắn xây dựng được thu gom, xử lý nghiền chưa nhiều nên sản phẩm sau nghiền vẫn đang được chủ đầu tư “lưu kho”, tập kết tại bãi chứa. Ngoài ra, để xác định đơn giá, lãnh đạo thành phố đã giao Sở Xây dựng khẩn trương làm việc với Bộ Xây dựng để sớm ban hành văn bản hướng dẫn về phương thức tính giá dịch vụ, quy trình áp dụng vật liệu sau nghiền, hoàn thành trong tháng 6-2019.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý chất thải rắn xây dựng: Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án tái chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.