Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội nỗ lực đi tiên phong không sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần

Nguyễn Mai| 04/07/2019 07:04

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào chống rác thải nhựa, với mục tiêu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị tại đô thị không sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Hưởng ứng phong trào, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là vận động, tuyên truyền, kêu gọi sự ủng hộ của doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tiên phong trong việc nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Thành phố Hà Nội tích cực vận động, tuyên truyền, kêu gọi doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Trong ảnh: Siêu thị Co.opmart dùng túi giấy gói sản phẩm cho khách hàng.

Bài đầu: Lan tỏa từ các siêu thị

Siêu thị là nơi sử dụng nhiều túi ni lông để bao gói sản phẩm và bán sản phẩm làm từ nhựa dùng một lần cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, nơi đây trực tiếp và gián tiếp thải ra môi trường lượng rác nhựa rất lớn. Vì vậy, thành phố Hà Nội chọn siêu thị, trung tâm thương mại làm điểm đột phá, lan tỏa phong trào nói không với túi ni lông. Mục tiêu được thành phố đề ra là đến ngày 31-12-2020, 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi ni lông.

Phát động đi đôi với thực hiện

Theo thống kê của của Sở Công Thương Hà Nội, toàn thành phố hiện có 140 siêu thị, 24 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú tính toán: Nếu bình quân một siêu thị hoặc trung tâm thương mại dùng 1 tấn bao bì ni lông/năm thì tại Hà Nội, riêng hệ thống này đã thải ra môi trường hàng trăm tấn rác thải nhựa. Ngoài ra, trong quầy hàng, các siêu thị còn bán nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần như: Ống hút, đĩa, bát, cốc... Do vậy, lượng nhựa các siêu thị trực tiếp hoặc gián tiếp thải ra môi trường thực tế còn lớn hơn nhiều.

Từ thực trạng đó, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội được chọn là nơi tiên phong triển khai nhiều chương trình, hoạt động chống rác thải nhựa. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại quầy rau xanh siêu thị Lotte Mart Đống Đa, các loại hành lá, rau thơm, mướp... được gói trong lá chuối xanh thay túi ni lông.

Dạo qua một số siêu thị như: Co.opmart Hà Đông, Big C Hồ Gươm, các siêu thị thuộc hệ thống Vinmart và cửa hàng Vinmart+..., phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy các siêu thị đều chuyển sang sử dụng túi ni lông tự phân hủy để gói hàng cho khách và bán sản phẩm túi, màng bọc thực phẩm, găng tay dùng khi chế biến thực phẩm... làm từ ni lông tự phân hủy. Tại quầy rau xanh ở các siêu thị Co.opmart Hà Đông, Big C Hồ Gươm, Big C Lê Trọng Tấn... một số loại rau cũng được gói bằng lá chuối như Lotte Mart Đống Đa. Anh Bùi Tiến Đạt, nhân viên cửa hàng Vinmart+  (phố Bế Văn Đàn, quận Hà Đông) chia sẻ, hưởng ứng phong trào hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, cửa hàng đã giảm dần việc sử dụng túi ni lông gói hàng và giảm dần việc nhập bán các loại ống hút, cốc, thìa nhựa...

Nhiều hệ thống siêu thị còn xây dựng kế hoạch dài hạn và những hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào. Theo bà Dương Minh Trang - Trưởng nhóm truyền thông khu vực phía Bắc (Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam), hệ thống siêu thị Lotte Mart đã cắt giảm nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần, thay vào đó là sản phẩm thân thiện với môi trường... Đơn vị đã phát động dự án Ecogreen - “Tôi hành động - bạn cũng thế?” nhằm kêu gọi giảm sử dụng túi ni lông trên toàn quốc. Bên cạnh việc thay thế túi ni lông khó phân hủy bằng túi sinh học, Lotte Mart đã thay thế 50% số hộp xốp đóng gói thực phẩm chín trên toàn hệ thống bằng hộp làm từ bã mía, không gây hại cho sức khỏe; gia tăng trưng bày, bán sản phẩm thân thiện môi trường, như: Ống hút làm bằng bột gạo, túi từ bột ngô có khả năng phân hủy 100% trong tự nhiên…

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, sau lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa năm 2019 do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức, nhiều công ty, tập đoàn bán lẻ đã tham gia vào liên minh các doanh nghiệp chống rác thải nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập. Tham gia liên minh này, các siêu thị thuộc hệ thống Vinmart và cửa hàng Vinmart+ (thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce - thành viên của Tập đoàn Vingroup) cam kết giảm 20% nguyên liệu nhựa trong sản xuất; phân loại 100% rác thải tại nguồn, ủng hộ hoạt động thu gom chai nhựa đổi lấy sản phẩm cho khách hàng, hạn chế bán túi ni lông khó phân hủy, thay thế túi ni lông khó phân hủy bằng túi sinh học… Hay hệ thống siêu thị Lotte Mart sử dụng hộp giấy thay chai nhựa đựng nước; sử dụng hộp đựng thức ăn bằng nguyên liệu bã mía thay thế hộp xốp... cũng là những cách làm cần được nhân rộng.

Góp phần thay đổi nhận thức người tiêu dùng

Người dân dùng làn khi mua sắm ở siêu thị.

Việc các siêu thị lớn triển khai nhiều hoạt động thiết thực hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa đã góp phần lan tỏa, làm thay đổi ý thức của người tiêu dùng. Bà Trần Thị Hạnh, phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) cho biết, từ khi siêu thị Lotte Mart Đống Đa gói rau bằng lá chuối, bà đã mua rau ở đây thường xuyên hơn; đồng thời ủng hộ hoạt động này của siêu thị trong việc chung tay chống rác thải nhựa. Không chỉ chọn mua sản phẩm thân thiện với môi trường, bà Hạnh còn thường mang theo túi đựng khi đi mua sắm vì “không muốn mang hàng hóa về nhà kèm túi ni lông...”.

Mặc dù đã chủ động, tiên phong đồng hành cùng thành phố Hà Nội và cả nước trong phong trào chống rác thải nhựa, song để đạt mục tiêu đề ra, các siêu thị còn gặp nhiều khó khăn. Theo Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart) Đỗ Quốc Huy: Giá thành bao bì tự hủy cao hơn túi ni lông hay hộp nhựa dùng một lần, nên ít nhiều ảnh hưởng tới chi phí hoạt động của các siêu thị. Còn theo bà Dương Minh Trang, Trưởng nhóm truyền thông khu vực phía Bắc (Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam), để thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông của người tiêu dùng, cần có thời gian... “Chúng tôi mong muốn thành phố Hà Nội đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về ô nhiễm rác thải nhựa; phối hợp với các đơn vị bán lẻ trong việc tổ chức các ngày hội về sống xanh, có hành lang pháp lý trong quản lý các đơn vị sản xuất sản phẩm tiêu dùng từ nhựa” - bà Trang đề xuất.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: Ngày 27-6 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 144/KH-UBND, triển khai hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội năm 2019, nhằm thúc đẩy mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với giảm ô nhiễm môi trường. Theo đó, thành phố đặt chỉ tiêu, phấn đấu đến ngày 31-12-2020 giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh; 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi ni lông khó phân hủy... Đi kèm với mục tiêu này, thành phố đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể, giao các sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện; trong đó sẽ tổ chức chuỗi kết nối "Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững", hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết giữa nhà cung cấp nguyên liệu - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng nhằm thực hiện các mục tiêu trên...

“Với kế hoạch bài bản, nhất là việc tuyên truyền sâu rộng tác hại của rác thải nhựa, cùng những hành động gương mẫu của các siêu thị, trung tâm thương mại, sự đồng lòng của nhân dân Thủ đô, mục tiêu đến ngày 31-12-2020, 100% trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Hà Nội không dùng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần là hoàn toàn khả thi...” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức nhận định.        

(Còn nữa)

Liên minh các doanh nghiệp chống rác thải nhựa là tổ chức gồm các doanh nghiệp đồng hành, cam kết loại bỏ dần các sản phẩm nhựa gây hại; tiến tới xây dựng chuỗi sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Hiện đã có nhiều công ty, tập đoàn bán lẻ lớn tham gia, như: Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart), Tập đoàn Central Group Việt Nam (quản lý hệ thống siêu thị Big C); Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (quản lý hệ thống siêu thị Lotte Mart), Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (quản lý hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng Vinmart+ )...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội nỗ lực đi tiên phong không sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.