Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căng sức ứng phó bão số 3

Kim Nhuệ - Đào Huyền - Nguyễn Mai| 02/08/2019 20:28

(HNMO) - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 19h ngày 2-8, bão số 3 cách Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) khoảng 65km, cách thành phố Hải Phòng khoảng 210km, cách tỉnh Nam Định khoảng 290km; sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 12.

Đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội kiểm tra công trình chống lũ rừng ngang tại huyện Quốc Oai.

Dự báo khoảng 4 giờ ngày 3-8, bão số 3 đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Thời gian tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới... Do ảnh hưởng của bão nên từ đêm 2-8 đến ngày 4-8, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ xảy ra mưa to đến rất to. Khu vực thành phố Hà Nội: Từ đêm 2-8 đến ngày 4-8 xảy ra mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi cao hơn 250mm); gió mạnh dần lên cấp 5, giật cấp 6-7.

Ưu tiên công tác di dời dân đến nơi an toàn

Ngày 2-8, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trịnh Đình Dũng kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chủ động mọi phương tiện, lực lượng với phương châm "4 tại chỗ", kịp thời xử lý những sự cố xảy ra, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra cho người dân, đặc biệt là tính mạng và tài sản người dân, bảo vệ công trình xây dựng, cơ sở sản xuất. Tỉnh Quảng Ninh tập trung rà soát người dân ở vùng ven biển, những khu vực dễ xảy ra sạt lở, thậm chí phải cưỡng chế sơ tán nếu cần thiết; đồng thời, tỉnh có phương án bảo đảm an toàn cho người dân ở những vùng núi, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét… 

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đã hoàn thành việc kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Các huyện đảo: Cô Tô, Vân Đồn đã đưa du khách về bờ an toàn. Tỉnh Quảng Ninh đã dừng tất cả cuộc họp không cần thiết để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3... 

Thành phố Hải Phòng đã di chuyển 41 lồng bè, sơ tán 288 lao động trên các chòi canh hải sản, 728 người dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn...

Tỉnh Thái Bình đã kêu gọi toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên biển vào khu neo đậu an toàn; di dời 1.395 người dân sinh sống trên 2.321 chòi canh, đầm nuôi trồng thủy sản, hải sản; vận hành công trình tiêu nước đệm... 

Tỉnh Nam Định đã sắp xếp, neo đậu tại bến cho 100% tàu thuyền; kêu gọi, di dời 1.317 lao động trên 1.024 lều, chòi canh, 221 lồng bè nuôi trồng thủy sản ngoài đê, trên sông vào nơi tránh trú bão… 

Tỉnh Ninh Bình hoàn thành 100% việc neo đậu tàu, thuyền trú tránh bão trước 9 giờ sáng 2-8; kêu gọi, di dời toàn bộ 224 lao động sinh sống ở ven biển vào bờ; vận hành 29 máy bơm, 21 cống dưới đê và 4 cống tiêu nước đệm hệ thống thủy nông... 

Hà Nội chủ động ứng phó ngập lụt

Ngày 2-8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tiếp tục kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 và triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai năm 2019 tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Báo cáo với Đoàn công tác, các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Hoài Đức… cho biết, đã ban hành công điện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, đơn vị liên quan huy động 100% lực lượng ứng trực ứng phó với bão số 3. Các doanh nghiệp thủy lợi đã vận hành hệ thống tiêu thoát nước đệm nội đồng. 

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Huy Chiến cho biết, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn, đơn vị ứng trực, sẵn sàng huy động 2.910 người, 3 xuồng máy, 400 cuốc, 500 xẻng, 320 áo phao, 110 phao cứu sinh triển khai phương án ứng phó sự cố, thiên tai. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan khẳng định: Huyện đã thành lập 3 đội xung kích tập trung, hiệp đồng với 13 đơn vị quân đội sẵn sàng xử lý các tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các đơn vị đã khảo sát địa bàn có nguy cơ sạt lở, úng ngập, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn… UBND huyện đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp đủ nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân khi xảy ra tình huống thiên tai.

Huyện Thanh Oai thông tin, đã kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, tiêu nước đệm nội đồng; kiểm tra công tác trực ban, canh gác đê. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã kiểm tra các khu nuôi trồng thủy sản, các trang trại và các hộ có nhà tạm, nhà có nguy cơ ảnh hưởng và hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống bão. 

Huyện Hoài Đức đã phân công lực lượng tuần tra canh gác 14 điếm canh đê; 412 cán bộ, chiến sĩ quân đội đã được lệnh sẵn sàng tham gia nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai cùng với đầy đủ phương tiện, vật tư.

Trong ngày, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã yêu cầu Công ty Điện lực Hà Đông sẵn sàng cấp điện vận hành Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa để tiêu thoát úng ngập kịp thời cho các quận, huyện thuộc khu vực phía Tây Hà Nội do cơn bão số 3 gây ra.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, từ 7 giờ đến 19 giờ ngày 2-8, trên địa bàn thành phố xảy ra mưa, lượng mưa dưới 10mm; mực nước trên các sông của Hà Nội đều dưới ngưỡng báo động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căng sức ứng phó bão số 3

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.