Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xếp hạng chất lượng không khí Hà Nội của AirVisual chưa chính xác

Nguyễn Mai| 26/09/2019 16:10

(HNMO) - Sáng 26-9, ứng dụng quan trắc không khí AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong khi TP Hồ Chí Minh xếp thứ 5. Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, các số liệu thống kê là chưa đầy đủ và không khách quan.

Theo ông Mai Trọng Thái, tổ chức Air Visual lấy dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ, chứ không phải lấy số liệu từ 10 trạm quan trắc như cách làm của cơ quan chức năng. Trạm quan trắc này quan trắc duy nhất chỉ tiêu PM2.5, nằm trên trục giao thông chính, gần ngã 4 Láng Hạ - Đê La Thành và xung quanh đang có các công trình xây dựng với quy mô lớn. Vì vậy, không thể đại diện cho toàn thành phố Hà Nội và chỉ mang tính đại diện cho duy nhất một điểm quan trắc.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn Hà Nội những ngày gần đây thường xuyên ở mức kém, ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người.

Số liệu ghi nhận từ 10 trạm quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn thành phố từ ngày 23-9 đến 26-9, AQI thường xuyên dao động trong ngưỡng từ 72 đến 189, trong đó ngày 25-9 là từ 102 đến 159 và ngày 26-9, AQI dao động từ 98 đến 189.

Hiện nay, thành phố đang tính toán AQI theo phương pháp được ban hành tại Quyết định số 878/QĐ-TCMT ngày 1-7-2011 của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Bảng quy đổi giá trị AQI được tính theo 5 mức: AQI từ 0 đến 50 là mức tốt (màu xanh) và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người; từ 51 đến 100 là mức trung bình (màu vàng) và là nhóm nhạy cảm đối với trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp nên hạn chế thời gian ở ngoài; từ 101 đến 200 là mức kém (màu da cam), nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài; từ 201 đến 300 là mức xấu (màu đỏ), nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, hạn chế ở ngoài; từ 301 trở lên là mức nguy hại (màu nâu), mọi người nên ở trong nhà.

Nguyên nhân dẫn đến chất lượng không khí ở Hà Nội kém, chủ yếu là do ô nhiễm bụi. Trên thực tế, nồng độ bụi chỉ tăng cao tức thời ở một vài thời điểm. Tuy nhiên, do điều kiện khí tượng không thuận lợi, xuất hiện hiện tượng sương mù bao phủ toàn thành phố kéo dài liên tục trong nhiều ngày nên bụi không thể thoát lên trên pha loãng và phát thải hoặc bị vận chuyển đi nơi khác, mà bị giữ lại tại lớp không khí gần mặt đất, khiến chất lượng không khí trên toàn thành phố giảm xuống.

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân nên tạo thói quen theo dõi thông tin về chất lượng không khí nơi mình đang sống và làm việc được công khai trên trang http://moitruongthudo.vn và các ứng dụng trên điện thoại thông minh để chủ động bảo vệ sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xếp hạng chất lượng không khí Hà Nội của AirVisual chưa chính xác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.