Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi xe công cộng, hạn chế đun bếp than tổ ong... để cải thiện chất lượng không khí

Hân Mai| 12/11/2019 16:48

(HNMO) - Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, giai đoạn cuối năm thường là thời điểm chất lượng không khí ở Hà Nội kém nhất.

Sáng 12-11, tại nhiều điểm quan trắc trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận chất lượng không khí chạm ngưỡng “rất xấu” trong nhiều giờ liên tục, được thể hiện bằng màu tím - cảnh báo ảnh hưởng sức khỏe đến tất cả mọi người. 

Thông tin đến HNMO, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường nêu cụ thể: Theo kết quả quan trắc tại 2 trạm cố định (đặt tại Chi cục và trạm Minh Khai), trong sáng nay (12-11), thời điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) theo giờ của bụi PM 2.5 có diễn biến xấu (mức từ 151-200) bắt đầu rơi vào thời điểm từ 19h ngày 11-11 cho đến 0h ngày 12-11. Tuy nhiên, chỉ số này đã vượt trên mức 200, tức ở mức “rất xấu”, tập trung từ 6-7h sáng nay. Đến 10h, nồng độ bụi đã có xu hướng giảm, tuy nhiên với tốc độ chậm.

PV: Vậy nguyên nhân vì sao chất lượng không khí Hà Nội lại ở mức “rất xấu” như vậy, thưa ông?

Ông Mai Trọng Thái:Trước hết, phải khẳng định, ô nhiễm ở một khu vực nào đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn thải nhân tạo, điều kiện khí tượng khu vực. Trong đó, các nguồn thải nhân tạo như hoạt động giao thông, dân sinh, xây dựng, công nghiệp… diễn ra thường xuyên nên lượng phát thải này có thể không biến động nhiều. Tuy nhiên, tùy vào từng thời điểm mà chất lượng không khí sẽ có sự biến động theo ảnh hưởng của điều kiện khí tượng. 

Thời gian này đang vào thời điểm đầu đông nên bức xạ mặt trời yếu hơn mùa hè. Tuy nhiên, vào ban ngày, mặt đất vẫn bị đốt nóng khiến nền nhiệt tăng khá cao (nhiệt độ cao nhất 28 độ C). Vào buổi tối, nhiệt độ lại giảm sâu (thấp nhất 19 độ C). Mặt đất nhanh chóng bị lạnh đi khiến nhiệt độ ở tầng khí quyển sát mặt đất cũng giảm và thấp hơn khối không khí bên trên, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào giữa đêm và sáng sớm. 

Đồng thời, những ngày này không có gió mùa Đông Bắc tăng cường nên tốc độ gió luôn ở mức thấp. Sự tĩnh gió kết hợp với nghịch nhiệt làm cho các nguồn thải hằng ngày không phát tán lên cao được mà bị giữ lại lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất, khiến nồng độ chất thải rất cao.

Cho đến trưa, chiều, khi ánh sáng mặt trời đủ mạnh, đốt nóng mặt đất và lớp không khí sát mặt đất, lúc này, lớp khí quyển không còn ổn định, các chất thải sẽ được thoát lên cao và pha loãng. Nồng độ bụi trong thời gian này cũng giảm xuống. Tuy nhiên, thời gian này, do độ ẩm và nhiệt độ thấp kết hợp với trời không có mưa nên khối không khí này không thể bốc lên quá cao như mùa hè. 

Ngoài ra, trong những ngày gần đây, khu vực ngoại thành vẫn còn tồn tại việc đốt phụ phẩm nông nghiệp, đốt rác tự phát, thải ra một lượng khói bụi lớn. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân đóng góp vào ô nhiễm không khí trong những ngày qua.

Tại thành phố Hà Nội, vào mùa đông và đầu xuân thường có chất lượng không khí kém hơn các mùa khác trong năm. Đây là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua. Theo kết quả quan trắc các năm gần đây, giai đoạn cuối năm là dịp thành phố có chất lượng không khí kém nhất.

PV: Thành phố đã có những giải pháp gì để cải thiện chất lượng không khí, thưa ông?

Ông Mai Trọng Thái: Thành phố Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh và tiếp tục trồng bổ sung 600.000 cây xanh trong giai đoạn 2019-2020.

Thành phố cũng cải thiện các công trình giao thông, tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc, tổ chức lại vỉa hè nhằm khuyến khích người dân đi bộ; tăng phí trông giữ xe trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế phương tiện cá nhân; khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân; thay thế xăng A92 bằng xăng E5; tăng cường kiểm soát chất lượng phương tiện tham gia giao thông; thay thế than tổ ong, cấm và hạn chế đốt rơm rạ...

Thành phố khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân.

Ngoài ra, thành phố đang quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu nguồn phát thải ô nhiễm môi trường như thanh, kiểm tra các công trình xây dựng, các phương tiện giao thông gây bụi; nghiên cứu và áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn về quản lý, phân làn giao thông nhằm hạn chế tối đa các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông...

PV: Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra những khuyến cáo cụ thể gì với người dân trong tình trạng chất lượng không khí như hiện nay không, thưa ông?

Ông Mai Trọng Thái: Theo thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều ngày 13-11, gió mùa Đông Bắc tăng cường, trời sẽ xuất hiện mưa và gió. Vì vậy, chất lượng không khí có thể sẽ được cải thiện hơn.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, người dân trên toàn thành phố nên hạn chế ra ngoài. Trong trường hợp cần thiết phải ra ngoài, nên trang bị khẩu trang chống bụi PM 2.5 đạt chuẩn. Đặc biệt, các học sinh không tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. 

Hà Nội đã bước vào thời điểm ô nhiễm không khí, do đó người dân cần tiến hành các biện pháp có thể để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt, tất cả mọi người cần nâng cao ý thức, hạn chế tối đa các hoạt động gây ô nhiễm không khí như đun nấu bằng bếp than tổ ong, đốt rơm rạ, đốt rác bừa bãi...

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ liên tục cập nhật thông tin diễn biến chất lượng không khí trên website http://moitruongthudo.vn để người dân chủ động nắm bắt thông tin về chất lượng không khí trước khi tham gia các hoạt động ngoài trời. 

PV: Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi xe công cộng, hạn chế đun bếp than tổ ong... để cải thiện chất lượng không khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.