Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương khắc phục ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Kim Nhuệ| 20/11/2019 07:32

(HNM) - Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp cũng như đối với đời sống của người dân ở một số địa phương của thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, cần khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng từ năm 1958, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 135.000ha và tiêu úng cho 185.000ha đất canh tác; tạo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, làng nghề, nuôi trồng thủy sản cho khoảng 3 triệu hộ dân của thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Hiện nay, hệ thống thủy lợi này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân…

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Khánh ở xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) nói: “Chưa bao giờ thấy sông Cầu Bây (tiểu công trình trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải) lại bị ô nhiễm như hiện nay. Ban ngày còn đỡ, vào ban đêm mùi hóa chất và đủ thứ mùi khác bốc lên rất khó chịu. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền sớm xử lý tình trạng này để bảo vệ sức khỏe cho người dân…”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Bộ NN&PTNT) Đặng Duy Hiển cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến sông Cầu Bây và các sông khác trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, làng nghề không qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn xả ra. Trung bình mỗi ngày, hệ thống thủy lợi này phải tiếp nhận 435.195m3 nước thải, với các thành phần: Amoni, nitrit, coliform… vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Chất lượng nước tại nhiều điểm trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải không bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…

Trước thực trạng trên, ngày 13-11-2019, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đi kiểm tra một số công trình đầu mối của hệ thống Bắc Hưng Hải và chỉ đạo: Các doanh nghiệp thủy lợi kiên quyết không sử dụng nguồn nước ô nhiễm để tưới cho cây trồng; đồng thời triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm trước khi cấp nước cho người dân gieo cấy vụ đông xuân 2019-2020... Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng yêu cầu, các đơn vị của Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và các địa phương liên quan tập trung xử lý dứt điểm các hành vi xả nước thải trái quy định vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải...

Thực hiện chỉ đạo trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Sở NN&PTNT đã yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tập trung xử lý 40 điểm xả nước thải dân sinh, công nghiệp trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Các quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, sản xuất của gia đình trước khi xả vào sông Cầu Bây… Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục tham mưu với thành phố không cấp giấy phép và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật thủy lợi… Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiến hành thanh tra 10 tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm có hoạt động xả nước thải vào sông Cầu Bây…

Ngoài giải pháp trên, thành phố Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 3 hệ thống thu gom xử lý nước thải trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm; trong đó, hệ thống xử lý nước thải An Lạc có công suất 39.000m3/ngày đêm; hệ thống xử lý nước thải Ngọc Thụy có công suất 22.000m3/ngày đêm và hệ thống xử lý nước thải Phúc Đồng có công suất 40.000m3/ngày đêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương khắc phục ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.