Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung sức ứng phó với ô nhiễm không khí

Nguyễn Mai| 11/12/2019 06:59

(HNM) - Để làm rõ hơn những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nói chung trong thời gian qua, cũng như những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội).

Hiện tượng nghịch nhiệt là một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí suy giảm. Ảnh: Khuê Diệp

- Ông có thể cho biết thời tiết có tác động thế nào đến chất lượng không khí? Thời tiết diễn biến bất thường trong thời gian gần đây ảnh hưởng đến không khí Hà Nội như thế nào, thưa ông Mai Trọng Thái?

- Chất lượng không khí chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết. Nếu mưa nhiều, gió to, chất lượng không khí sẽ tốt hơn so với khi trời nhiều mây, lặng gió. Trong những ngày gần đây, đêm và sáng sớm trời nhiều sương mù, lặng gió, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm cao (hiện tượng nghịch nhiệt) khiến khả năng lưu thông không khí bị hạn chế, dẫn đến gia tăng ô nhiễm.

Năm 2019, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến cực đoan, lượng mưa thấp, số giờ nắng kéo dài hơn năm 2018. Mặt khác, từ sau tháng 9, trời nhiều sương mù, thời tiết hanh khô, hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên diễn ra khiến chất lượng không khí có xu hướng xấu hơn các tháng đầu năm.

- Không chỉ riêng với Hà Nội, ô nhiễm không khí còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Hồng. Vậy đâu là nguyên nhân thưa ông Hoàng Văn Thức?

- Khu vực đô thị và nông thôn đều đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Lượng phương tiện cá nhân ngày càng nhiều, diện tích bê tông hóa tăng cao… Mặt khác, lượng rác thải tại khu vực nông thôn cũng gia tăng, trong khi việc thu gom, xử lý chưa triệt để… làm gia tăng ô nhiễm không khí khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, không khí chịu tác động từ các nguồn ô nhiễm như khí thải từ khu công nghiệp, hoạt động đốt rác, rơm rạ, thậm chí các nguồn thải vận chuyển từ xa đến (ô nhiễm xuyên biên giới) như khói bụi do cháy rừng từ các quốc gia lân cận, bụi mịn do đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp nặng theo gió mùa Đông Bắc vận chuyển về...

- Vậy cần có giải pháp gì để cải thiện chất lượng không khí, thưa ông Hoàng Văn Thức?

- Kiểm soát chất lượng không khí được Chính phủ quan tâm từ rất sớm. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thiết kế, quy hoạch mạng lưới quan trắc đến năm 2025, tầm nhìn 2030, chúng tôi sẽ thiết kế mạng lưới xương sống về quan trắc môi trường không khí. Riêng với Hà Nội, từ nay đến cuối năm và trong năm 2020, sẽ lắp thêm 20 trạm quan trắc, trong đó có 10 trạm quan trắc cố định. Như vậy, tại các đô thị lớn sắp tới sẽ đủ dữ liệu để quan trắc, cảnh báo kịp thời cho người dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu sự vào cuộc của các bộ, ngành khác trong vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí, như Bộ Giao thông - Vận tải về kiểm soát khí thải giao thông, Bộ Xây dựng kiểm soát về các công trình xây dựng, Bộ NN&PTNT về chất thải nông nghiệp... 

- Môi trường không khí tác động rất lớn đến đời sống của người dân. Thời gian tới, Hà Nội triển khai các giải pháp gì để cải thiện chất lượng không khí thưa ông Mai Trọng Thái?

- Để cải thiện chất lượng không khí, giải pháp trước mắt đang được thành phố Hà Nội quyết liệt chỉ đạo, đó là tăng cường hệ thống quan trắc không khí và liên tục cập nhật để cung cấp thông tin cho người dân. Đồng thời, thành phố tăng cường xe quét, hút bụi trong công tác vệ sinh môi trường; vận động người dân không sử dụng bếp than tổ ong…  Đối với các công trình khi phá dỡ hoặc xây dựng, cơ quan chức năng yêu cầu che chắn để không gây ô nhiễm; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý xe vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, rác thải không bảo đảm, phát sinh ô nhiễm...

Mặt khác, Hà Nội đã và đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện hiện đại, thay thế phương pháp chôn lấp truyền thống; tiếp tục trồng cây xanh; triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”... Đồng thời, triển khai Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”; phát triển giao thông vận tải công cộng; từng bước kiểm soát khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành và có lộ trình loại bỏ xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn khí thải.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, rất cần sự chung sức của cộng đồng và cả xã hội trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ môi trường Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn hai ông về cuộc trao đổi!

Hệ thống quan trắc theo thời gian thực PAMAir sáng 10-12 đã ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí khắp khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều điểm ô nhiễm cao như: Điểm đo thư viện tỉnh Hưng Yên (ô nhiễm lên ngưỡng rất xấu với Chỉ số chất lượng không khí - AQI là 235), thành phố Thái Bình là 240, thành phố Hải Dương có AQI lên tới 254, thành phố Hải Phòng ở ngưỡng 221... Các điểm đo còn lại ở khắp các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình đều ở ngưỡng xấu.

TTXVN

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung sức ứng phó với ô nhiễm không khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.