Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo “điểm nghẽn” cho năng lượng tái tạo

Trung Hiếu| 14/12/2019 08:05

(HNM) - Sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo khiến lưới điện đầu tư không theo kịp, nhiều nhà máy phải giảm phát công suất. Để giải quyết “điểm nghẽn” này, cần có một quy hoạch chất lượng cùng những cơ chế phù hợp thu hút vốn đầu tư từ khối doanh nghiệp tư nhân.

Nhà máy Điện mặt trời nổi hồ Đa Mi (tỉnh Bình Thuận). Ảnh: Ngọc Hà

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất lắp đặt 4.543,8MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850MW điện mặt trời vào năm 2020).

Riêng tỉnh Ninh Thuận có 41 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 2.447MW đã được phê duyệt quy hoạch. Đến ngày 30-6-2019, đã có 18 nhà máy với tổng công suất 1.156MW đưa vào vận hành. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, năng lượng tái tạo đang vướng phải nhiều vấn đề, nổi lên là việc lập quy hoạch, đầu tư lưới điện... Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, trong lúc lập và trình duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh tại thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016, vì chưa có cơ chế cụ thể, hỗ trợ thích đáng, nên hầu như rất ít các dự án điện mặt trời, điện gió được đề xuất.

Còn ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, nhiều nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trong một thời gian ngắn đã gây quá tải cho hệ thống lưới điện từ 110kV đến 500kV.

Trong khi câu chuyện về lưới điện đầu tư không theo kịp công suất của các dự án điện sạch, chủ yếu tập trung ở Ninh Thuận, Bình Thuận, vấn đề đặt ra là cần thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư lưới điện như thế nào.

Về chủ trương này, Trưởng phòng Kế hoạch quy hoạch (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương) Nguyễn Tuấn Anh cho biết, để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương ủng hộ tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện với 2 hình thức: Thứ nhất, tư nhân đầu tư nhà máy điện đến điểm đấu nối. Trong trường hợp này, theo quy định pháp luật, giữa nhà đầu tư và ngành Điện sẽ thống nhất phạm vi đầu tư, quản lý vận hành. Thứ hai, về đầu tư lưới truyền tải, trong Luật Điện lực có quy định, Nhà nước độc quyền trong truyền tải thì phải làm rõ độc quyền cả đầu tư hay chỉ độc quyền trong quản lý, vận hành. Ở đây, Bộ Công Thương đề xuất giải thích theo hướng độc quyền về quản lý, vận hành, còn hình thức đầu tư vẫn cho phép xã hội hóa.

Để tháo gỡ những bất cập từ lưới truyền tải, các chuyên gia đều cho rằng phải xã hội hóa lưới truyền tải. Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, nếu có những chính sách tháo gỡ kịp thời thì nguồn điện từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo sẽ góp phần bổ sung nguồn điện, giảm áp lực thiếu điện ngay trước mắt, về lâu dài sẽ bảo đảm phát triển bền vững cũng như bài toán về môi trường. Do đó, đấu thầu dự án điện cũng là điều cần được xem xét.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Đỗ Đức Quân thông tin, có hai phương án là đấu thầu theo trạm biến áp hoặc mời nhà đầu tư vào làm một phần hoặc toàn bộ dự án khi đã có mặt bằng sạch.

Hiện tại, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đẩy nhanh việc triển khai đấu thầu các dự án điện mặt trời ở Việt Nam.

“Hiện nay EVN đang chuẩn bị cho việc đấu giá thí điểm một số dự án điện mặt trời để đến năm 2021, việc đấu thầu dự án điện mặt trời có thể triển khai rộng rãi. Bên cạnh đó, EVN đang nỗ lực để đến tháng 6-2020 hoàn thành các dự án đầu tư lưới điện nhằm giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận", Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Đỗ Đức Quân thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo “điểm nghẽn” cho năng lượng tái tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.