Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở hướng phát triển cho cây sả chanh

Thu Hằng| 28/10/2020 06:22

(HNM) - Việc tìm ra các giải pháp đồng bộ để phát triển cây sả chanh, hoàn thiện công nghệ chưng cất tinh dầu và sử dụng bã sả sau chưng cất để làm vật liệu hữu cơ xử lý chất thải chăn nuôi đã mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp Thủ đô và cả nước. Công trình này của Tiến sĩ Lê Văn Tri và các cộng sự ở Công ty cổ phần Phân bón Fitohoocmon vừa vinh dự nhận giải thưởng kép.

Tiến sĩ Lê Văn Tri (ngoài cùng bên trái) và cộng sự nhận Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2019. Ảnh: Anh Tuấn

Tạo nhiều sản phẩm từ cây sả

Sả chanh là loài cây được trồng nhiều ở Việt Nam, trong đó có Hà Nội để lấy củ làm gia vị hoặc sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh; lấy tinh dầu để sử dụng trong các ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm, dược phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, việc trồng, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ cây sả chanh, chưng cất tinh dầu cũng như xử lý nguồn bã thải sau chưng cất ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường.

Gần 30 năm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, vi sinh, xử lý môi trường, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và gần 10 năm nghiên cứu cây sả, Tiến sĩ Lê Văn Tri và các cộng sự ở Công ty cổ phần Phân bón Fitohoocmon (Công ty Fitohoocmon), phường Láng Thượng, quận Đống Đa đã tổng hợp và phát triển thành công công trình “Công nghệ trồng và tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sả chanh phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội”.

Cụ thể, Công ty Fitohoocmon đã triển khai nhiều mô hình nghiên cứu, như: Sơ chế đóng gói 50 tấn củ sả Bio bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng TCCS 08:2017/FITO và mô hình sản xuất 4.500 lít siro sả chanh bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng TCCS 12:2017/FITO tại Hà Nội cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng phục vụ người tiêu dùng. Đáng chú ý là mô hình ứng dụng vật liệu hữu cơ từ bã sả sau chưng cất tinh dầu làm đệm lót sinh học cho chuồng nuôi gà để tạo phân ủ hữu cơ phục vụ trồng trọt...

Theo kỹ sư Nguyễn Minh Hoàng, phụ trách mô hình sử dụng 60 tấn đệm lót sinh học xử lý chuồng nuôi 5.000 con gà đẻ và 5.000 con gà thịt ở huyện Quốc Oai (Hà Nội), sau 4 tháng mô hình này thu được 380 tấn hỗn hợp phân thải đệm lót, giúp giảm chi phí đầu tư đệm lót, chế phẩm (từ 18,05 đến 19,23 triệu đồng) và tăng doanh thu từ việc bán phân thải được khoảng 20-21 triệu đồng/năm. Còn tại trang trại gà trứng thương phẩm Hòa Phát (tỉnh Phú Thọ), mô hình sử dụng 110 tấn bã sả làm chất độn để hấp thụ và xử lý 1.000 tấn phân gà trong chăn nuôi công nghiệp, sau 40 ngày xử lý thu được 670 tấn phân ủ, giúp giải quyết hiệu quả lượng phân gà lớn để cung cấp cho các hộ trồng cây tại địa phương.

Tiến sĩ Lê Văn Tri cho biết: “Việc khó nhất mà lúc đầu chúng tôi phải hoàn thành là làm sao để thu được lượng tinh dầu rất ít trong lá cây sả chanh bằng công nghệ mới. Sau thành công trong việc chiết tinh dầu, thấy lượng bã thải phát sinh nhiều, nhóm tiếp tục nghiên cứu làm thành phân bón vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Nhân lên những niềm vui

Tiến sĩ Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) nhận xét, công trình của Tiến sĩ Lê Văn Tri và cộng sự được đánh giá cao về tính sáng tạo, tính mới, hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng ứng dụng rộng rãi trong điều kiện của nước ta. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một công trình nghiên cứu bài bản về công nghệ sơ chế và bảo quản củ sả tươi cũng như phương pháp thu nhận tinh dầu sả chanh trên thiết bị chưng cất áp lực để rút ngắn thời gian và đạt hiệu suất thu hồi tinh dầu tối đa. Công trình cũng đã đưa ra công nghệ sản xuất sản phẩm mới là siro sả chanh và sử dụng hiệu quả bã thải sau chưng cất tinh dầu... Công trình đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 5 bằng độc quyền giải pháp hữu ích và 2 bằng độc quyền sáng chế.

Ngoài ra, với những lợi ích thiết thực và hiệu quả kinh tế - xã hội cao, công trình “Công nghệ trồng và tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sả chanh phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội” của Tiến sĩ Lê Văn Tri và các cộng sự ở Công ty Fitohoocmon đã vinh dự nhận giải thưởng kép: Giải Nhất giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam 2019 trong lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Giải WIPO 2019 do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao tặng.

Đánh giá về công trình này, Tiến sĩ Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam 2019 cho biết, việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp đồng bộ về cây sả chanh của Tiến sĩ Lê Văn Tri cùng cộng sự đã mở ra hướng phát triển bền vững. Sau nghiên cứu này, cây sả chanh được phát triển một cách toàn diện, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đây là những đóng góp thiết thực, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người nông dân Hà Nội và nhiều địa phương của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở hướng phát triển cho cây sả chanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.